Con hẻm 56 đường Phương Sài, TP Nha Trang có một căn nhà nhỏ, diện tích rộng chừng 75 m2. Người đi qua con hẻm quá quen với hình ảnh dây phơi trước nhà đầy những tã lót hoặc quần áo trẻ em. Cũng quá quen với tiếng khóc, tiếng cười con nít vang ra. Ngôi nhà đó chẳng có tên trong danh sách các nhà tình thương, mái ấm để nhận sự trợ giúp của xã hội hầu nuôi những đứa trẻ mồ côi.
Nhưng thực ra, những đứa trẻ trong ngôi nhà đó cũng có cha mẹ, có điều là cha mẹ của chúng không cần biết sự hiện diện của chúng trên cuộc đời này. Và nếu không có người đàn ông đang ở trong ngôi nhà đó, anh Tống Phước Phúc, có khi những đứa trẻ ấy có thể không được chào đời, có thể đã bị vứt ở một góc đường nào đó và có thể chết.
Quyền được sống của con người
Anh Tống Phước Phúc sinh năm 1967 tại Đà Nẵng. anh vào Nha Trang sinh sống đã lâu, làm nghề xây dựng, nhận những công trình nhỏ để kiếm sống. Vợ anh có một cửa hàng buôn bán, cũng nhỏ, trên phố. Anh sống hiền lành, thích làm việc thiện, không rượu chè. Nói chung, anh là một người đàn ông chăm chỉ làm ăn, gia đình êm ấm.
Anh, chị đang làm những việc nhân nghĩa, quên mình vì người khác, không những là nơi nương tựa cho những mảnh đời bất hạnh, mà hơn thế còn là tấm gương cao đẹp của danh dự và nhân phẩm
(Trích thư của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi vợ chồng anh Tống Phước Phúc, 23-10-2006) |
Trong những lần đi nhà thờ xem lễ, tiếp xúc với mọi người, anh chợt phát hiện trong cuộc sống này có rất nhiều cô gái lầm lỡ, vì một phút dại khờ mà mang thai. Họ mang thai khi tuổi còn rất trẻ, lại sống tha phương, không có người thân bên cạnh, không công ăn việc làm. Những người mẹ trẻ đó đều suy nghĩ đơn giản là tìm cách bỏ càng sớm càng tốt bào thai trong bụng mình. Có người tới ngày sinh nở không dám đến bệnh viện, vì không có tiền. Có người vừa sinh con xong đã ném ra đường, hoặc để luôn trong bệnh viện rồi chạy trốn.
Anh nhận thấy phần lớn các nhà tình thương, mái ấm đều chỉ nhận những đứa bé đã chào đời, hoặc đã lớn. Chẳng có trường hợp nào tìm cách giữ những sinh linh kia khi chúng còn trong bụng mẹ hoặc vừa chào đời.Vậy thì làm sao giữ lại chúng, để cho chúng được sống? Bởi đó cũng là một con người.
Anh đã nhiều lần trao đổi với vợ, trao đổi với bạn bè về chuyện mà lòng anh không yên. Anh đến bệnh viện, chứng kiến bao cảnh đau lòng kia, rồi đi đến quyết định là sẽ nuôi những đứa trẻ vô tội.
Anh nhớ rõ đó là ngày 20-9-2004. Tại bệnh viện tỉnh có một cô gái sắp sinh con, nhưng cô không muốn nuôi con và cũng không có tiền trả viện phí. Anh đã tìm tới, trả viện phí cho người mẹ bất hạnh đó, nhận đứa bé còn đỏ hỏn trên tay, đem về chăm lo. Đứa bé này sau đó anh đã chuyển đến các soeur dòng Vinh Sơn nuôi cùng 5 em khác cũng do anh nhặt được đã lớn. Các soeur trong điều kiện của mình đã chia bớt gánh nặng nhân từ cho anh.
24 đứa trẻ, 24 mảnh đời
Ròng rã hai năm trời như thế, anh Phúc đã đem về nhà 24 đứa trẻ. Dĩ nhiên là anh báo cáo việc làm này với chính quyền địa phương rất rõ ràng, và được ủng hộ. 24 đứa trẻ đó có thân phận khác nhau và anh đã đặt tên cho chúng bằng họ mình. Như anh nói, “Để chúng khỏi tủi thân khi lớn lên biết rằng mình không có cha mẹ”. Nhặt được ở Lương Sơn, anh đặt Tống Lương Vinh. Nhặt được ở Phước Hải, anh đặt Tống Phước Vinh. Còn con gái thì anh đặt tên Tâm, như một bé gái anh phải lặn lội vào Cam Ranh đem về có tên là Tống Phước Cam Tâm.
![]() |
Bố mẹ em là ai? Điều đó được bù đắp khi em được vợ chồng anh Tống Phước Phúc nuôi dưỡng như con |
Hai ngày trước khi tôi tới nhà, anh đã đến bệnh viện nhận về hai đứa trẻ sinh đôi, một gái một trai. Hai đứa trẻ nhỏ xíu được quấn kín trong khăn hồn nhiên ngủ, không biết là mình đã bị cha mẹ bỏ rơi. Anh kể lúc đó đã 11 giờ đêm, anh nhận một cuộc điện thoại từ bệnh viện của một người đàn bà lạ, cho biết cô ta muốn gởi lại con mình sau khi sinh nở vì không có khả năng nuôi dưỡng.
Thế là anh Phúc tới nhận về. Người đàn bà sinh đôi tới ở với hai đứa con mình một buổi rồi đi. Hai đứa bé đó hiện do em Cao Thị Tươi (1981) chăm sóc. Tươi là người Quảng Bình, lúc đầu tới nhà anh phụ chăm bệnh cho mẹ anh, sau khi bà qua đời cách đây một năm đã ở lại phụ anh nuôi trẻ.
Anh Phúc nuôi những đứa trẻ theo cách của mình. Căn nhà ấy luôn rộn ràng người tới thăm, mà nếu không biết cứ tưởng đó là nhà giữ trẻ. Anh Phúc nói: “Khi hết gạo, người ta đem tới cho. Gạo đó tôi cũng để nuôi các cháu. Tôi kiên quyết nuôi các cháu bằng chính đồng tiền mình làm ra, không hề vận động xin từ thiện bất cứ một ai”. Những cô gái lầm lỡ tới nhà anh tá túc đợi sinh nở, đã phụ anh chăm sóc các bé. Còn anh, như một bà mẹ hiền, đút cháo, cho bú sữa.
Cô gái tên Nguyễn Hà T. mới 18 tuổi, quê tận miền Bắc, vào Nha Trang sinh sống vì một phút nông nổi đã mang thai, thế là mất việc, hết tiền, cũng chẳng dám về nhà. Nhờ người giới thiệu, cô đã tìm tới nhà anh Phúc xin tá túc, đợi ngày sinh nở. Trong số 24 đứa trẻ ấy, có 2 đứa được 2 người ở Tuy Hòa nhận nuôi. Có 4 đứa được cha mẹ tìm tới xin nhận lại. Khi mỗi đứa trẻ được cha mẹ nhận lại, lòng anh Phúc rộn ràng niềm hạnh phúc.
Người đàn ông tên Phúc ấy đã chọn cho mình một cách sống: dang tay cho những số phận bị bỏ rơi khi vừa cất tiếng khóc chào đời. Anh nói với tôi là anh lại chuẩn bị đi Cam Ranh để nhận về một đứa trẻ.
Bình luận (0)