Vấn đề nổi cộm nhất là chưa hạn chế được việc sử dụng ngoại tệ trong nền kinh tế. Theo quy định, cá nhân được sử dụng ngoại tệ để cất giữ, mang theo người, gửi vào tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép hoặc bán cho tổ chức tín dụng được phép; công dân Việt Nam được gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép.
Tuy nhiên, ngoại tệ trôi nổi trên thị trường đang gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của các chính sách tiền tệ nên cần sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối theo hướng thu hẹp phạm vi sử dụng ngoại tệ trong nước để từng bước hạn chế sử dụng ngoại tệ tiền mặt, thu hút nguồn ngoại tệ trôi nổi vào hệ thống tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển lại cho rằng nếu sửa như thế thì cứ có ngoại tệ là bắt buộc phải gửi vào ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng chứ không được cất giữ trong người, như thế là không hợp lý vì giữ tiền là quyền của người dân. Đồng tình, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận việc hạn chế quyền sử dụng ngoại tệ của người dân là vấn đề nhạy cảm, có tác động đến lợi ích của từng người và tổ chức kinh tế.
Tiếp thu ý kiến, ông Bình cho biết dự thảo sẽ không sửa đổi việc cất giữ ngoại tệ của nhân dân.
Bình luận (0)