Dự luật quy định: Tổ chức, cá nhân được hưởng lợi ích kinh tế khi khai thác và sử dụng thành phần môi trường thì phải đóng thuế môi trường. Tổ chức, cá nhân xả rác ra môi trường hoặc phát sinh các nguồn tác động xấu tới môi trường thì phải nộp phí bảo vệ môi trường. Mức thu phí bảo vệ môi trường được căn cứ vào khối lượng chất thải ra môi trường hoặc quy mô nguồn tác động xấu đối với môi trường; mức độ độc hại của chất thải hoặc mức độ gây hại của nguồn tác động xấu đối với môi trường; môi trường tiếp nhận chất thải hoặc nguồn tác động xấu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Đình Hương đề xuất, người được thụ hưởng môi trường trong sạch dù không xả rác vẫn phải đóng phí. Và theo ông, “tìm được ai xả rác để bắt đóng phí rất khó. Lâu nay người dân ở khu dân cư vẫn phải đóng phí rác thải, vệ sinh”.
Dự luật đã bổ sung quy định mới, “nắm đằng chuôi” trong bảo vệ môi trường bằng giải pháp ký quỹ phục hồi môi trường và thu hồi chất thải. Theo đó, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, sản xuất, xuất nhập khẩu bao bì, sản phẩm phải thu hồi, xử lý phải ký quỹ một khoản tiền (tùy theo quy mô khai thác, tác động xấu đến môi trường, chi phí cần thiết để cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác). Sau đó, nếu không thực hiện phục hồi môi trường và xử lý chất thải hoặc cải tạo không đạt yêu cầu quy định, số tiền này bị sung công để cải tạo, phục hồi môi trường. Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đình Hương tỏ ra tâm đắc với giải pháp này bởi nó vừa giảm tác động xấu đến môi trường, vừa phát huy được ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Bình luận (0)