Những người không có khả năng mua nhà, cả đời ở nhà thuê, không thể gọi là giàu. Nếu so sánh với những người sở hữu căn nhà hàng trăm, hàng ngàn cây vàng thì những anh tay trắng trông chờ vào lương vài triệu đồng chỉ là anh nghèo mạt hạng. Tuy nhiên, trong khuôn khổ các luật thuế hiện hành – cả khi luật thuế TNCN có hiệu lực - Nhà nước vẫn chưa thể điều tiết chút gì với những người giàu thực sự nói trên.
Là công dân có thu nhập thì phải chịu thuế, đó là nghĩa vụ và trách nhiệm, không ai có quyền thoái thác. Nhưng anh chịu thuế thu nhập thuê nhà trong xó xỉnh có quyền ngước mắt nhìn các ông chủ sở hữu những ngôi nhà mặt tiền 5-7 tầng ở trên cao, hỏi rằng: Tại sao tôi đóng mà anh lại không? Luật Thuế TNCN, dù hoàn chỉnh thế nào chăng nữa, cũng không thể trả lời anh ta câu hỏi này. Bởi vậy, chỉ đơn độc thuế TNCN đem ra trưng cầu, nếu phải bày tỏ ý kiến thì người ta cảm thấy rất khó. Cái công bằng chi li trong tầm nhìn cục bộ hạn hẹp liệu có ý nghĩa gì khi trong lòng người ta vẫn sừng sững cái bất công trời vực trong tầm nhìn toàn cục?
Đã có vài ý kiến lên tiếng về thuế tài sản, một thứ thuế trực thu đánh vào người có tài sản trên ngưỡng nào đó. Đây mới thực sự là thứ thuế áp dụng với những người giàu có và cùng với thuế TNCN, hai loại thuế trực thu này chiếm tỉ trọng lớn trong nguồn thu ngân sách ở các nước phát triển. Trong tương lai, Việt Nam cũng không thể có chọn lựa khác, thậm chí sau sự kiện gia nhập WTO vừa qua còn rất cấp bách. Nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu sẽ giảm, Nhà nước cần phải tìm nguồn bù đắp từ các loại thuế trực thu. Hơn nữa, khi xác định định hướng xã hội chủ nghĩa thì càng có lý do để áp dụng các loại thuế này nhanh chóng hơn.
Thuế tài sản không là vấn đề mới, nguồn tham khảo cũng rất dồi dào và khá dễ dàng. Chỉ cần vào Google, gõ “property tax”, là hàng loạt bộ luật các nước hiện ra ngay, riêng với Mỹ, luật này thuộc tiểu bang mà không thuộc liên bang. Ngay tại Việt Nam, từ năm 2003, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia cũng đã xuất bản cuốn sách Thuế tài sản – Kinh nghiệm thế giới và hướng vận dụng tại Việt Nam, do tập thể tác giả công tác tại Vụ Chính sách tài chính - Bộ Tài chính biên soạn (tiến sĩ Quách Đức Pháp và thạc sĩ Dương Thị Ninh chủ biên). Trước đó nữa, từ năm 1995, cũng đã có đề tài nghiên cứu cấp bộ của Bộ Tài chính về “Mô hình thuế tài sản ở Việt Nam” của tác giả Phan Xuân Thắng và Bộ Tài chính cũng đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học về đề tài này trong các năm từ 1999 đến 2001.
Xét về tính khả thi, thuế tài sản dễ áp dụng hơn thuế thu nhập vì tài sản dễ kiểm soát hơn thu nhập, nhất là trong nền kinh tế tiền mặt. Thuế TNCN chỉ là nửa pho thuế trực thu, nửa pho kia là thuế tài sản. Tại sao chúng ta lại bắt đầu bằng nửa pho khó hơn, mà không phải là nửa pho kia hoặc học trọn pho cùng một lúc?
Bình luận (0)