Báo cáo về các tác động của nhóm người giàu mới nổi do tạp chí The Economist và Ngân hàng Citi (Citibank) vừa công bố cho thấy ở châu Á, nhóm người giàu mới nổi của Việt Nam tăng nhanh chỉ sau Ấn Độ và Indonesia.
Nhóm này sở hữu tài sản trung bình từ 100.000 USD đến 2 triệu USD (tương ứng từ 2 - 42 tỉ đồng). Báo cáo cũng dự báo Việt Nam sẽ là 1 trong 5 nước có nhóm người giàu mới nổi tăng trưởng nhanh trên thế giới trong giai đoạn 2014-2020. Theo báo cáo này, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh vào năm 2018. Với nhiều số liệu kinh tế tốt trong năm 2014, báo cáo đã đưa ra nhiều dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam năm 2015, những năm tiếp theo và cho đó là các nền tảng để nhóm người giàu mới nổi tăng trưởng mạnh mẽ.
Trước thông tin này, chuyên gia kinh tế - tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng số người giàu của Việt Nam tăng nhanh là điều đáng mừng nhưng ông không khỏi quan ngại về khoảng cách giàu - nghèo sẽ giãn rộng, dễ gây bất ổn cho nền kinh tế. Điều này thể hiện một bức tranh không mấy tốt cho Việt Nam. Thực tế, người dân Việt Nam vẫn đang ở mức nghèo với thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 1.900 USD/người/năm. Trong khi thu nhập bình quân đầu người các quốc gia phát triển khác đến 50.000 USD/người/năm.
Phân tích về nguồn gốc những người giàu nhanh, TS Hiếu cho rằng cần phải có một nghiên cứu, điều tra rõ ràng mới có thể nhận định được. Theo cảm nhận của ông, những người giàu này một phần nhờ vào vận may, họ trở về Việt Nam từ các quốc gia khác và có mối quan hệ kinh tế tốt nên phất lên nhanh chóng, trong đó có một số đại gia trong lĩnh vực bất động sản chứ thực tế số người giàu lên từ sản xuất kinh doanh tại Việt Nam có lẽ không nhanh như thế.
TSKH Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, nhận định có một số người giàu thật, giỏi thật gắn liền với tên tuổi của những doanh nghiệp uy tín trên thị trường hiện nay. Vấn đề chúng ta cần quan tâm đó chính là người giàu này có hỗ trợ gì cho sự phát triển của đất nước, đóng góp gì cho xã hội hay không, hay họ giàu lên nhờ cơ hội, nhờ “lobby”…
Theo ông Thắng, thực tế cơ chế, chính sách của Việt Nam chưa thật sự “trong suốt”, minh bạch, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người mà chỉ có một số người tiếp cận được với cơ hội đó. Chính vì vậy, khi cơ chế càng hoàn thiện thì cơ hội mới chia đều. Trong quá khứ có rất nhiều người đưa ra được giải pháp, cố gắng vượt lên, thoát khỏi bế tắc để sản xuất tốt, làm giàu chính đáng, góp phần hữu ích và đóng góp lớn cho xã hội nhưng tài sản của họ cũng chưa phải thuộc dạng giàu và giàu nhanh.
Bình luận (0)