Khi những chiếc ô tô hiệu Bentley, du thuyền, máy bay riêng, và các loại hàng tiêu dùng xa xỉ bắt đầu được nhập khẩu ngày càng nhiều về Việt Nam từ cuối năm 2006, nhiều người dân tỏ ý vui mừng. Lý do: đó là minh chứng hùng hồn nhất cho sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu, và doanh nhân vốn rất cần cho sự thúc đẩy phát triển.
Mặt trái của hàng tiêu dùng cao cấp
Tuy vậy, những con số thống kê cho thấy, xu hướng này đang có tác động ngược lại với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Ví dụ, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc lên đến 579 triệu USD, tăng gần 172% so với năm trước đó. Một minh chứng khác: tỷ trọng hàng tiêu dùng trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá đã tăng đáng kể lên mức 11,4% năm 2007, so với trung bình 7,5% trong giai đoạn 10 năm trước đó, theo đánh giá của dự án Mutrap. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể cao hơn nhiều, do các nhà thống kê đã không thể tính được hàng nhập lậu.
Tiến sĩ Võ Trí Thành của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bình luận: “Bùng phát nhập khẩu hàng tiêu dùng do thu nhập của người dân tăng nhanh, đặc biệt là của một nhóm dân cư có thu nhập từ bất động sản, chứng khoán trước đó”.
Nhận định này tương đồng với báo cáo đang được bộ Kế hoạch và đầu tư soạn thảo. Báo cáo này ước tính, tiêu dùng của người Việt Nam đã chiếm tỷ trọng lớn, và ngày càng tăng trong GDP, tăng từ 69,7% năm 2005, lên đến 71% trong năm 2008. Có nghĩa là, tỷ lệ tiết kiệm trong nước đã giảm từ 30,3% GDP năm 2005 xuống còn dự kiến 29% GDP năm 2008. Trong khi đó, đầu tư toàn xã hội đã luôn ở mức trên 40% GDP trong vòng nhiều năm qua. Như vậy, tỷ lệ thâm hụt giữa tiết kiệm và đầu tư ở mức trên 10% so với GDP, cho thấy tính dễ tổn thương của tăng trưởng ở Việt Nam. Đây rõ ràng là hậu quả của thói quen tiêu dùng “không biết có ngày mai” của một bộ phận dân cư mới nổi.
Tương phản
Theo nghiên cứu của chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập. Những người giàu nhận được 40% phúc lợi xã hội, trong khi người nghèo nhất chỉ nhận được gần 7% |
Trong khi đó, tỷ lệ nghèo đói ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng do tác động của lạm phát.
Theo tổng cục Thống kê, tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam đã giảm xuống còn 14,8% năm 2007, từ mức 20,2% năm 2005. Tuy nhiên, viện Khoa học lao động và xã hội (bộ Lao động, thương binh và xã hội) đánh giá: tỷ lệ đói nghèo trên toàn quốc dự kiến sẽ tăng lên 17% cho đến cuối năm nay, thay vì giảm xuống 13,83% như kế hoạch đề ra trong năm ngoái.
Một chuyên gia của viện này nhận xét, lạm phát tăng cao trong năm 2007 và 2008, đã làm giảm thu nhập của nhiều nhóm dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nghèo và cận nghèo, dẫn đến tái nghèo.
Trưởng đại diện bộ Phát triển quốc tế Anh tại Việt Nam, bà Fiona Lappin nhận xét rằng, dù Việt Nam đạt được những thành tựu đáng kể, vẫn còn nhiều người đang sống rất khó khăn. Ví dụ có 40 triệu người dân Việt Nam vẫn sống dưới mức 2 USD/ngày – mức đo đói nghèo mới của thế giới.
Bà kể rằng, bà đã chứng kiến cuộc sống ở vùng nông thôn Việt Nam, gặp người Thái, người Mường, người H’Mông, và thấy rõ những khó khăn mà họ đang phải đối mặt, đặc biệt trong bảo đảm sức khoẻ và giáo dục cho con em mình. “Họ chính là những đối tượng mà tôi muốn được giúp đỡ nhất – phụ nữ, trẻ em, những người nhập cư ngoại tỉnh, đồng bào thiểu số – những người có thể dễ dàng bị gạt ra bên lề, khi gặp các trở ngại về sức khoẻ hoặc kinh tế”.
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, Nhà nước đã đề ra mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Tuy vậy, theo nghiên cứu của UNDP, hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập. Cơ quan này cho rằng, những người giàu nhận được 40% phúc lợi xã hội, trong khi người nghèo nhất chỉ nhận được gần 7%. Nhóm giàu nhất nhận được 47% tổng số tiền lương hưu, trong khi người nghèo nhất nhận được có 2%. Nhóm giàu nhất hưởng 45% dịch vụ y tế, nhưng người nghèo nhất chỉ nhận được 7%. Tỷ lệ trợ cấp giáo dục cho những người giàu nhất là 35%, và người nghèo nhất là 15%.
Rõ ràng, khoảng cách giàu nghèo ngày gia tăng, trong khi khả năng tiếp cận đến dịch vụ xã hội được trợ cấp, có thể làm bất bình nhiều nhóm, dễ tổn thương trong xã hội.
Bình luận (0)