Nhiều năm qua, người dân ở quận 2 đã khá quen thuộc với hình ảnh một phụ nữ gần 60 tuổi nhưng còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thường lân la gặp gỡ, trò chuyện khi ăn cơm, lúc uống cà phê với một số cán bộ, công nhân trẻ trong các doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh (NQD) vào buổi trưa hay chiều tối.
Người phụ nữ đó là bà Đặng Thị Liên, cán bộ chuyên trách công tác phát triển Đảng thuộc Đảng bộ khối NQD Quận ủy quận 2.
Khó đủ bề...
Gia đình là cơ sở cách mạng nên ngay từ nhỏ, bà Liên đã sớm tiếp xúc với các cán bộ cách mạng được che giấu trong hầm bí mật ở nhà mình tại xã Tăng Nhơn Phú, quận Thủ Đức (nay là phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9). Được giác ngộ cách mạng, 18 tuổi, bà vào Đảng.
Miền
Năm 2004, Quận ủy quận 2 bắt đầu thực hiện Chỉ thị 11 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN NQD, bà Liên được phân công phụ trách công tác xây dựng Đảng trong DN NQD.
Bà Liên đang thẩm định hồ sơ của người xin vào Đảng
“Khi bắt tay vào mới thấy khó đủ bề. Nhiều đảng viên đang làm việc trong DN NQD ngại ngần không dám công khai vì sợ chủ gây khó; quần chúng thì chưa thật sự hiểu Đảng nên còn thờ ơ... Rồi những gương xấu đảng viên thoái hóa, biến chất cũng tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của quần chúng. Trầy trật mãi, cả năm 2005, quận 2 mới phát triển được một đảng viên ở DN NQD”- bà Liên nhớ lại.
Kiên trì đưa quần chúng đến với Đảng
Cuối năm 2005, bà Liên nghỉ hưu nhưng được Quận ủy quận 2 yêu cầu tiếp tục làm nhiệm vụ. Để tìm nguồn, bà “khoanh vùng” những DN thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước, đóng BHXH, BHYT đầy đủ...
Sau đó, thông qua tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên hay người quen, bà nhờ giới thiệu những quần chúng ưu tú rồi từng bước tiếp xúc tuyên truyền, vận động.
Nhiều người khi tiếp xúc đã từ chối thẳng thừng nhưng bà không nản lòng. Làm cật lực như vậy nhưng cả năm 2006 cũng chỉ phát triển thêm được một đảng viên. Dù vậy, kết quả đó vẫn là sự khích lệ rất lớn đối với người đảng viên tận tụy ấy.
Năm 2007, bà tập trung đẩy mạnh tiếp xúc, tuyên truyền, vận động và xác minh lý lịch. Tuy đã có tuổi nhưng bà không quản ngại nắng mưa, có hôm về đến nhà thì trời tối mịt. Vất vả như thế nhưng bù lại, kết quả rất khả quan. Năm 2007, quận 2 đã phát triển được 10 đảng viên ở khu vực NQD, sang năm 2008 có 12 người, năm 2009 thêm 6 người.
Anh Dương Văn My, chủ cơ sở sản xuất đá hoa cương ở quận 2, cho biết tuy cả hai vợ chồng anh đều là con liệt sĩ nhưng không muốn vào Đảng. Bà Liên đã kiên trì giải thích, thuyết phục giúp anh dần thay đổi nhận thức.
Anh nói: “Chính cô Liên đã giúp tôi hiểu đúng hơn về Đảng”. Kết quả là tháng 9-2007, anh My đã được kết nạp Đảng. Không những thế, anh còn dìu dắt, giúp đỡ một quần chúng khác vào Đảng và tạo điều kiện cho 2 quần chúng khác trong cơ sở được đi học cảm tình Đảng.
Bà Liên tâm sự: “Xây dựng tổ chức Đảng trong DN NQD cũng giống như trồng cây, phải chăm chút, kiên trì và quan trọng hơn cả là phải thật sự làm tấm gương để quần chúng tin tưởng, noi theo”.
Bình luận (0)