icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người khắc họa lịch sử

Bài và ảnh: QUỐC DŨNG

Hầu như ở mỗi địa phương có dịp đi qua, nhà điêu khắc Trần Thanh Phong đều để lại dấu ấn với một công trình khắc họa lịch sử đấu tranh cách mạng của vùng đất ấy

Chúng tôi gặp lại nhà điêu khắc Trần Thanh Phong tại khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang vào những ngày cuối tháng 8-2010, nhân kỷ niệm 122 năm ngày sinh Bác Tôn (20.8.1888 - 20.8.2010).
 
Hướng dẫn viên thuyết trình với du khách rằng bức tượng chân dung Bác Tôn tại đền thờ trong khu lưu niệm do chính ông Trần Thanh Phong điêu khắc. “Năm nào cũng vậy, đến dịp 20-8 là ông Phong lại đến đền thờ Bác Tôn thắp hương” - hướng dẫn viên nói.
 
Phản ánh hiện thực
 
Từ năm 1998 đến nay, ông Trần Thanh Phong làm công tác chuyên trách tại HĐND tỉnh An Giang và hiện là Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội. Dù luôn tất bật với hàng khối công việc nhưng ông vẫn thu xếp thời gian để dành cho điêu khắc.
 
Ông tâm sự: “Tôi chọn điêu khắc để tái hiện sự hy sinh anh dũng của dân tộc mình và những mất mát đau thương mà tôi từng chứng kiến, gánh chịu, cảm nhận. Phản ánh hiện thực, đặc biệt là lịch sử chiến tranh cách mạng và danh nhân văn hóa là phong cách xuyên suốt trong các tác phẩm của tôi”.
 
Trong suốt 35 năm theo đuổi điêu khắc, ông Phong đã tham gia nhiều trại sáng tác như ở Huế năm 1998, Phú Thọ năm 2004, An Giang và TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2006, Festival Hoa Đà Lạt năm 2007... Hầu như ở mỗi địa phương có dịp đi qua, ông đều để  lại dấu ấn với một công trình khắc họa lịch sử của vùng đất ấy.
 
Lâu nay, du khách đến TP Việt Trì (Phú Thọ) vẫn thường chiêm ngưỡng một tác phẩm điêu khắc bằng đá thể hiện hình ảnh một bà mẹ ôm chiếc lư khói nhang nghi ngút vì con đã hy sinh cho cách mạng. Hình ảnh ấy làm xúc động bao nhiêu trái tim du khách.
 
Đến Cà Mau, du khách ấn tượng ngay với tượng đài Bất khuất ở Nghĩa trang Liệt sĩ TP Cà Mau. Công trình được điêu khắc tạo hình bằng đá cao 6 m với hình ảnh 3 chiến sĩ. “Đây là hình ảnh tượng trưng cho sự hy sinh của 74 liệt sĩ. Họ đã vĩnh viễn nằm lại nơi này trong cuộc tổng tiến công vào thị xã Cà Mau năm 1968” - ông Phong cho biết.
 
 
img
Nhà điêu khắc Trần Thanh Phong đang tạo hình tác phẩm Chiến thắng Cù lao Dung, công trình ông dành tặng quê mẹ Sóc Trăng
 
 
Nhà điêu khắc Trần Thanh Phong đã thử qua nhiều chất liệu khác nhau trong tác phẩm của mình, như: đá, bê tông cốt thép, chất liệu tổng hợp, kim loại, đồng, inox... Công trình tượng đài Chiến thắng Vàm Lũng ở huyện Ngọc Hiển - Cà Mau của ông tái hiện câu chuyện về đoàn tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển do thuyền trưởng Lê Văn Một cùng chính trị viên Lê Văn Dĩa điều khiển tiến về Vàm Lũng.
 
“Tượng cao 14 m, 90 m2 phù điêu được kết hợp bằng nhiều chất liệu bê tông cốt thép, đá granite, bên ngoài phủ kim loại kẽm theo công nghệ của Đức. Tôi phải mất hơn 2 năm mới hoàn tất công trình này. Chiến thắng Vàm Lũng được trưng bày tại địa điểm lịch sử để nhắc nhở các thế hệ sau về chiến công hào hùng của cha ông” - ông Phong tâm sự.
 
Ở An Giang, nhà điêu khắc Trần Thanh Phong đã thực hiện nhiều công trình tại các địa danh lịch sử: Tác phẩm Chiến thắng Tức Dụp (tượng đài Chiến thắng) với hình ảnh các chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu giữ vững đồi Tức Dụp ở huyện Tri Tôn, nơi đóng căn cứ của Cơ quan Tỉnh ủy; tượng đài và bia phù điêu ở khu căn cứ Ô Tà Sóc, huyện Tri Tôn; tượng đài quản cơ Trần Văn Thành sừng sững trước Trung tâm Hành chính huyện Châu Phú, nhắc nhở hào khí của cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa... Đưa chúng tôi tham quan những công trình điêu khắc tiêu biểu, ông Phong trải lòng: “Điêu khắc là nghệ thuật, phải ước lệ nhưng trên cơ sở sử liệu. Vì thế, ở mỗi tác phẩm, tôi cố thể hiện cái hồn của tượng, cái tình của vùng đất và con người địa phương nhưng vẫn bảo đảm tính chính xác của sự kiện”.
 
Ngoài ra, nhà điêu khắc Trần Thanh Phong còn khắc họa nhiều chân dung danh nhân, nhà cách mạng, người có công với đất nước và dân tộc, như nhà văn Mai Văn Tạo, người có công đấu tranh chống bắn đá phá núi Sam ở thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang; thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa ở TP Cần Thơ;  nhà giáo - nhà cách mạng Châu Văn Liêm; Đại tướng Nguyễn Chí Thanh... Ông còn thực hiện nhiều công trình điêu khắc trở thành biểu trưng của địa phương, nổi bật nhất là tượng cá basa tại công viên thị xã Châu Đốc.
 
Nặng tình với quê mẹ
 
Ông Trần Thanh Phong thổ lộ: “Từ nhỏ, tôi đã theo gia đình vào chiến khu rồi tham gia cách mạng nên phải lìa xa quê nhà Sóc Trăng. Sau khi đất nước hòa bình, tôi đi học và đến An Giang công tác đến nay. Dù ở đây nhưng lúc nào tôi cũng đau đáu về quê mẹ”.
 
Quê hương Sóc Trăng với hình ảnh bà mẹ quê chiều nào cũng ra cửa ngóng chồng, đợi con về ăn bữa cơm sum họp luôn làm ông xốn xang. Vì thế, ông đã thổi hồn vào tác phẩm điêu khắc Bữa cơm của mẹ hết sức ấn tượng.
 
“Hình ảnh bà mẹ trong tác phẩm chính là mẹ tôi. Bà luôn ngồi một mình bên mâm cơm chờ cha và anh em tôi nấp dưới chiến hào lên cùng ăn. Cả đời mẹ tôi đã hy sinh cho chồng con, cho quê hương, đất nước và đã gánh chịu quá nhiều mất mát, đau thương” - ông Phong hồi tưởng.
 
 
img
Tượng cá basa, công trình điêu khắc của nhà điêu khắc Trần Thanh Phong, đã trở thành biểu trưng của tỉnh An Giang
 
 
Ông Phong đã thực hiện nhiều công trình điêu khắc để “trả nợ” quê hương, trong đó nổi bật là tác phẩm về nhà cách mạng Huỳnh Văn Bảy. Ông tiết lộ: “Tôi vẫn đang thai nghén một số công trình lịch sử cho quê hương Sóc Trăng”.
 
Đưa chúng tôi tham quan xưởng điêu khắc, tạo hình ở phường Bình Đức, TP Long Xuyên, ông Phong giới thiệu tác phẩm Chiến thắng Cù lao Dung vẫn còn dang dở. Ông bảo đã nung nấu tác phẩm này nhiều năm qua cho quê mẹ Sóc Trăng. Dù chỉ mới tạo hình bằng đất sét nhưng nhóm tượng gồm 4 chiến sĩ được tái hiện hết sức sinh động. Nhìn ông chăm chút, tỉ mỉ tạo hình từng khuôn mặt nhân vật, từng đường nét chúng tôi như bị hút hồn vào tác phẩm.
 
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, vừa từ Hà Nội vào An Giang công tác đã cảm nhận: “Chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc của Trần Thanh Phong, tôi hết sức hân hoan. Các tác phẩm của ông không chỉ gắn bó với cuộc kháng chiến anh hùng của dân tộc mà còn ghi đậm dấu ấn của đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Các tác phẩm được thể hiện mạch lạc, khỏe khoắn với ngôn ngữ điêu khắc hiện đại đã góp phần vào sự phát triển của mỹ thuật VN”.

15 tuổi đã tham gia cách mạng

Ông Trần Thanh Phong sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng ở Mỹ Xuyên - Sóc Trăng. Hơn 10 tuổi, Trần Thanh Phong đã cùng gia đình vào chiến khu rừng đước U Minh - Cà Mau.
 
Khi đó, cha ông là trưởng cơ quan điện ảnh – nhiếp ảnh khu. Năm 1969, khi mới 15 tuổi, ông chính thức tham gia cách mạng và công tác ở Cơ quan Văn nghệ giải phóng Quân khu 9.
 
Tháng 10-1974, được điều ra Bắc học tập nhưng ông quyết định ở lại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.
 
Trong suốt thời gian đó, ông công tác tại phòng hội họa giải phóng thuộc Cơ quan Văn nghệ Trung ương Cục miền Nam và đã sáng tác nhiều tác phẩm hội họa khích lệ tinh thần đấu tranh anh dũng, quật cường của đồng bào, chiến sĩ ta.
 
Sau ngày giải phóng miền Nam, Trần Thanh Phong vẫn tiếp tục đi theo con đường hội họa. Đến năm 1976, ông theo học lớp trung cấp hội họa tại TPHCM và ra trường năm 1978.
 
Hai năm sau, ông lại thi vào đại học, học điêu khắc suốt 5 năm. Tốt nghiệp năm 1986, ông về công tác tại Hội Văn nghệ An Giang và gắn bó với địa phương này đến nay.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo