Sống để tiếp tục chiến đấu
Ông Năng kể: Đúng 21 giờ ngày 12-5-1971, các tù binh lặng lẽ xuống hầm. Cả đoàn người trườn đi. Khi ra khỏi miệng hầm, ngước lên thấy trời đêm đen đặc, gió thổi mát. Cảm giác vừa mừng vừa hạnh phúc khiến hai chân các tù binh dường như đông cứng lại. Cả đoàn dừng tại trảng cỏ tranh 5 phút rồi mới cắt đường chạy vào bìa rừng.
Là người trực tiếp đậy nắp hầm cho đồng đội thoát ra ngoài, cựu tù Phú Quốc Kiều Tiến Lập tâm sự: “Ở thời khắc đó, trong tôi chỉ có một suy nghĩ là 27 anh em sẽ thoát được, không ai bị bắt để ra ngoài tiếp tục cầm súng chiến đấu. Suốt đêm hôm ấy, tôi cứ trằn trọc mãi, không ngủ được vì lo lắng”. Sáng hôm sau, khi cai ngục điểm danh thấy thiếu 27 người, chúng đã tiến hành luân chuyển, xáo trộn tù binh khiến anh em trong các khu đứt liên lạc. Cựu tù Kiều Tiến Lập bị chuyển từ khu V qua khu VII. Tại khu VII, ông Lập tiếp tục nhận nhiệm vụ đào hầm để chuẩn bị cho cuộc đào thoát mới.
Nhớ thương không phai
Chuyện đã xảy ra hơn 4 thập kỷ nhưng với các nữ cựu tù Đặng Hồng Nhựt, Bùi Thị Son, Nguyễn Thị Xà, lễ truy điệu Bác tại nhà lao Chí Hòa như mới diễn ra hôm qua. Cựu tù Đặng Hồng Nhựt nhớ lại sáng 3-9-1969, khu trưởng Đỗ Mạnh Trí đột ngột bước vào phòng giam báo tin: “Nói cho mấy bà biết, cụ Hồ chết rồi”. Mọi người nhìn nhau, bán tín bán nghi. Lúc bấy giờ, Trí mới giơ tay lên trời: “Tôi thề chuyện này là sự thật. Thiệt bụng tôi kính nể cụ Hồ lắm!”. Cựu tù Bùi Thị Son cho biết: Hôm sau, Trí đem tờ báo có ảnh Bác được đặt trong hòm kính vào cho mọi người xem. Vừa thấy tờ báo, các nữ cựu tù bật khóc rồi bàn nhau tổ chức để tang Bác bằng thỏa thuận ngầm là trong thời gian chịu tang, nếu được gia đình thăm nuôi vẫn phải đeo khăn tang, địch đánh đập cũng không gỡ khăn tang, dù có bị tra tấn đánh đập cũng phải giữ khăn tang trên đầu. Đối với nữ tù Bùi Thị Son, bà không bao giờ quên hình ảnh 342 nữ tù đầu chít khăn tang hướng về phương Bắc vào sáng 5-9-1969 trong nhịp khúc Tiến quân ca, Lãnh tụ ca và Chiêu hồn tử sĩ.
“Khi lời ca Chiêu hồn tử sĩ cất lên, ai cũng vừa hát vừa khóc. Rồi như một sự dồn nén cực độ, các nữ tù bất ngờ rã hàng ôm nhau khóc nức nở” - bà Son nghẹn ngào. Từ sự mất mát đó, “cây văn nghệ” Nguyễn Thị Xà đã sáng tác bài Lý con sáo xúc động về Bác. Bà Xà cho biết bà sáng tác bài Lý con sáo rất nhanh; bao cảm xúc cứ tuôn trào trên từng con chữ. Rồi bà cùng nhiều nữ cựu tù khác đã hát lại bài Lý con sáo. Khi lời bài hát cất lên, phía dưới hội trường, nhiều người mắt đỏ hoe, lặng lẽ lau nước mắt. “Từ tình cảm dành cho Bác Hồ kính yêu, những cựu tù trở nên kiên cường hơn. Dẫu có bị địch tra tấn dã man, nhiều chị đã anh dũng hy sinh nhưng tuyệt nhiên không ai phản bội” - bà Đặng Hồng Nhựt cho biết.
Theo bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM, đấu tranh trong nhà tù thực dân là cuộc chiến không cân sức giữa tù nhân tay không tấc sắt với kẻ địch hung tàn. Trong cuộc đối đầu đó, niềm tin là nguyên khí của người tù cách mạng. Những ký ức về Bác đối với mỗi cựu tù đã trở thành niềm tin, điểm tựa, thành sức mạnh để các tù binh giữ vững phẩm chất cách mạng, vượt qua những năm tháng đọa đày trong ngục tù.
Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ Kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2013), sáng 18-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cùng các vị lãnh đạo lão thành, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Bác. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Cùng ngày, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn TPHCM tổ chức cuộc diễu hành xe đạp hưởng ứng toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại vì TP xanh - sạch - đẹp năm 2013. Khoảng 10.000 người đến từ các sở, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, tổng công ty, doanh nghiệp, UBND TPHCM, UBND quận, huyện và đoàn viên, thanh niên tham gia cuộc diễu hành hơn 30 km dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt. Tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TPHCM trong ngày 18-5 đã diễn ra vòng chung kết xếp hạng hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh “Tầm nhìn xuyên thế kỷ” lần VII năm 2013. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) đã giành 2 vị trí cao nhất hệ đội tuyển khối ĐH, CĐ.
Tr.Hoàng - A.Nhiên |
Bình luận (0)