Mới nhất, gần 30 khách hàng mua căn hộ tại chung cư Long Phụng Residence (TP HCM) hôm 25-12 kéo đến đòi chủ đầu tư giao nhà vì đã trễ hạn gần 3 năm. Tuy nhiên, ông chủ đã bỏ ra nước ngoài.
Nóng không kém, tại chung cư 4S Riverside Garden (TP HCM), hôm 11-12, nhiều thanh niên lạ mặt được đại diện chủ đầu tư dẫn vào tấn công cư dân, trong các nạn nhân có một người cao tuổi bị đánh toét đầu. Trước đó, tại chung cư Gia Phú (TP HCM), chủ đầu tư đem một căn hộ bán cho 2-3 người, thậm chí 6 người. Có đến 123 căn hộ bị bán trùng với 217 hợp đồng khác nhau. Bị tuyên thua kiện song đến nay, chủ đầu tư không trả lại tiền cho nguyên đơn. Còn tại chung cư Vạn Hưng Phát (TP HCM), hàng chục hộ đóng đủ tiền cho chủ dự án nhưng sau nhiều năm vẫn không được giao nhà. Có người kiện chủ đầu tư ra tòa, tòa tuyên thắng kiện nhưng suốt 2 năm vẫn không đòi được từ bị đơn một xu nào! Trước đó, tối 11-10, chung cư Xa La (Hà Nội) cháy lớn khiến 1 ô tô, 45 xe đạp và 200 xe máy bị hư hỏng. Thiệt hại về người dù nhỏ (10 người bị thương do ngạt khói) nhưng dân ở đây bất an vì chủ đầu tư từng bị phạt hàng trăm triệu đồng song vẫn không thực hiện bảo đảm an toàn…
Kể không hết vì quá nhiều. Trong tất cả các vụ, cư dân luôn bị thiệt thòi. Người giàu còn đỡ, gặp phải người nghèo tích cóp cả đời, thậm chí vay mượn nhiều nơi mới đủ tiền mua thì quả thật “chó cắn áo rách”.
Điều lạ là các chủ đầu tư dù lừa đảo rất trắng trợn song không bị pháp luật “sờ gáy”. Có chủ đầu tư nói thẳng “kẹt vốn quá nên mới bán một căn cho 2-3 người” và thách khách hàng “nếu muốn thì cứ kiện”. Thực tế đúng như thách thức: Bị kiện, bị tuyên buộc hoàn trả tiền nhưng bị đơn vẫn không thi hành án, chẳng ai làm gì được nhau!
Có những vụ dấu hiệu hình sự đã đủ, rõ mồn một là chủ đầu tư lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác và hành vi này bị tố cáo đến cơ quan pháp luật song đều không được hình sự hóa. Nếu cứ quy về tranh chấp dân sự thì người mua luôn ở thế nắm đằng lưỡi, có thắng kiện cũng như không, còn các chủ đầu tư thì cứ ngựa quen đường cũ.
Dù Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015) buộc các dự án bất động sản phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh tài chính và vừa qua, nhiều ngân hàng đã đứng ra bảo lãnh cho các dự án nhưng vẫn không ngăn được tình trạng người mua nhà bị chủ đầu tư lừa đảo hay chiếm hữu lợi ích. Có chăng chỉ bảo lãnh được chút niềm tin ban đầu, còn thực tế thì khách hàng luôn trong tình trạng con mồi, ngay cả ngân hàng cũng lắm lúc trở thành nạn nhân.
Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, sao cứ để xảy ra chuyện người ngay bị chiếm đoạt tài sản mà không được bảo vệ, còn kẻ lừa đảo thì vẫn nhởn nhơ?!
Bình luận (0)