Tôi chỉ có thể gặp chị Nguyễn Thị Muốt, ngụ khu phố 3, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 - TPHCM, sau 21 giờ, vì lúc này chị mới được nghỉ ngơi sau một ngày tất bật với bộn bề công việc. Trò chuyện với chị, tôi luôn áy náy vì đã “đánh cắp” thời gian quý báu của người phụ nữ này.
Một mình, 4 việc
Thời gian gần đây, chị Muốt phải ngược xuôi làm 4 công việc trong ngày để có thu nhập 3,4 triệu đồng/tháng. Đôi tay thoăn thoắt kết từng hạt cườm lên áo, mắt không rời đường kim, mũi chỉ, chị tâm sự: “Vì cuộc sống khó khăn quá nên tôi phải làm gấp đôi, gấp ba để kiếm tiền, vừa lo cơm áo trong gia đình, chuyện ăn học cho con cái, rồi trả nợ 10 triệu đồng vay gần 10 năm nay. Cả vợ chồng đều đi làm nhưng do mắt kém, chồng tôi chỉ nhận gia công túi xách tại nhà nên thu nhập thất thường”.
Dù chỉ có cô con gái duy nhất đang học lớp 5 nhưng 4 việc làm đối với chị Muốt dường như vẫn chưa đủ. Một ngày tất tả “chạy sô” được chị gói gọn bằng mấy chữ “tay làm liên tục” và “ngủ càng ít càng tốt”. Ngủ và nghỉ ngơi là hai khái niệm xa xỉ với người phụ nữ này vì chỉ cần ngủ ngon, ngủ quên là đã bỏ lỡ 2-3 việc rồi. Với ngần ấy khó khăn, động lực duy nhất giúp chị vượt qua là cô con gái học rất giỏi.
5 giờ, chị Muốt đã thức dậy lo cho con gái đi học. 6 giờ, chị chạy xe đến chỗ làm cách nhà hơn 2 km. Lau hơn 1.000 chiếc khay, muỗng, nĩa và chia 140 suất ăn công nghiệp cho học sinh xong, đến 10 giờ 30 phút, chị theo xe tải của công ty đưa đến một trường tiểu học cách đó 4 km. Ngồi bên hành lang đợi các em ăn, chị tranh thủ lùa miếng cơm để 30 phút nữa trở vào dọn dẹp. “Ăn vội quá nên dù đói, dù ngon đến mấy cũng trở nên vô vị” - chị bộc bạch.
Chị Nguyễn Thị Muốt (bìa phải) nhọc nhằn làm cả thảy 4 việc mới đủ trang trải cuộc sống gia đình
Mỗi đường kim, mũi chỉ vẫn thoăn thoắt đi đúng nhịp, dù đôi vai của chị đã mỏi nhừ. Với chị, 24 giờ của một ngày như còn quá ngắn để đủ chăm sóc chồng con. “Sau 21 giờ, mắt mỏi nhừ, tôi vùi vào giấc ngủ say, không biết gì. Mãi khi nghe đồng hồ báo thức buổi sáng reo, tôi lại giật mình tỉnh giấc. Có đêm đang ngon giấc, bỗng thấy đôi tay của anh đang nắm lấy tay mình, thương chồng nhưng mệt quá đành giả vờ ngủ” - chị thổ lộ. Đánh vật với cơm áo gạo tiền nên đã gần 40 tuổi, dù khao khát có thêm một đứa con nhưng chị vẫn không dám. “Sinh nữa sợ không có tiền nuôi” - chị phân trần.
Em gái chị Muốt, chị Nguyễn Thị Kim Hoa, cũng phải làm 2 việc mới tạm trang trải cuộc sống. Công việc chính của chị Hoa là làm công nhân tại Công ty Dệt lưới Sài Gòn, việc phụ là kết cườm mỗi tối. Thu nhập của cả hai việc đem lại cho chị hơn 3 triệu đồng/tháng, cộng thêm lương của chồng 2 triệu đồng/tháng cũng chẳng thấm vào đâu.
Mẹ chị Muốt, bà Trần Thị On, đã 63 tuổi nhưng mỗi ngày phải đi rửa chén thuê để kiếm 1,4 triệu đồng/tháng phụ con tiền điện, nước, gas… Đã 8 năm làm công việc này, đến nay dù “chân chùn, gối mỏi” nhưng bà vẫn phải bám theo. “Điều khiến tôi lo sợ là ngã quỵ do sức khỏe kém” - bà bộc bạch.
23 giờ ngược xuôi
17 giờ, Trường Mầm non Bé Ngoan 3 ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn – TPHCM như ong vỡ tổ khi ông Đặng Tiến Sỹ đến mở cửa. Người đàn ông với gương mặt buồn buồn, tóc hoa râm, dáng gầy cười nhẹ chào các bé rồi nhanh chóng lấy xe trở về ngôi nhà thân quen nằm trong một con hẻm ở xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn. Sau đó, 18 giờ, ông trở lại đây để trực đêm.
Nhà ông Sỹ có 5 người. Mẹ ông bị bệnh tim, cách tuần lại vô bệnh viện chích thuốc; vợ là giáo viên đã nghỉ việc nhưng không có chế độ hưu trí do chưa đủ thời gian quy định. Ông Sỹ có 2 người con, cô con gái lớn vừa ra trường, đang dạy cấp 2 ở Hóc Môn, còn cậu út đang học lớp 11. Là trụ cột chính của gia đình, từ năm 1995, ông phải lân la tìm thêm việc làm ngoài chân chạy việc vặt cho công ty của người chú.
“Khi đang học lớp 9, con gái tôi bỗng dưng mất trí nhớ, chạy chữa khắp nơi, tốn tiền không ít nhưng bệnh tình chậm thuyên giảm. Quyết tâm trị bệnh cho con, nhờ người quen giới thiệu, tôi xin làm bảo vệ trực đêm cho Trường Mầm non Bé Ngoan 3 từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau với mức lương hơn 2,5 triệu đồng. Cộng thêm làm việc vặt từ 6 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút, tôi kiếm được 1,2 triệu đồng/tháng, chỉ đủ trang trải cho gia đình. 17 năm nay, mỗi ngày tôi chỉ ở nhà 1 giờ lúc giao ca trực đêm, vội chạy về ăn cơm với gia đình, 23 giờ còn lại thì “chạy sô” nên có khi cả ngày không gặp mặt con” - ông Sỹ cho biết.
Khác với ông Sỹ, năm 2001, từ Huế, anh Hoàng Công Màu vào TPHCM lập nghiệp và làm công nhân cho Công ty TNHH Thiên Ân ở quận 12-TPHCM. Đến năm 2007, anh lấy vợ rồi sinh con. Từ đó, anh phải làm “ca hai” - chạy xe ôm mỗi tối để có thêm thu nhập. Dù còn trẻ, cả vợ chồng đều tích cực làm việc nhưng xem ra, để đạt được ước mơ có chút vốn nho nhỏ ra buôn bán với Màu còn xa vời. “Chúng tôi ở nhà trọ, lại có con nhỏ, vợ đi bán đậu hũ từ sáng đến chiều, tôi đi làm 2 việc mà cũng chẳng dư bao nhiêu vì thứ gì cũng tăng giá” - anh rầu rĩ.
Anh Hoàng Công Màu sau giờ làm việc tại công ty còn phải chạy xe ôm
Hôm gặp tôi, chỉ tờ giấy báo thanh toán điện đang cầm trên tay, Vinh phân trần: “Tiền điện, nhà trọ, nước mỗi tháng ngốn gần 1 triệu đồng. Sắp tới, vợ chồng tôi còn đón đứa con đầu lòng nên phải cố gắng làm gấp đôi”. Nhìn nét mặt âu lo nhưng rạng ngời hạnh phúc của chồng, chị Phạm Lan Hương thương cảm: “Tay phải của anh ấy bị thương tật trên 30% do một lần bị máy cuốn. Thấy anh ấy làm nhiều, tôi xót ruột lắm nhưng vì cuộc sống nên đành chịu”.
Những ngày lang thang quanh các khu nhà trọ công nhân gần KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), KCN Tân Bình (quận Tân Phú)…, tôi chứng kiến không ít người sau giờ tan ca phải vội ra đường bám vỉa hè kiếm sống. Họ tranh thủ thời gian nghỉ ở nhà máy, công ty để buôn bán vài bó rau, mớ cá, rổ trứng... kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống đầy khó khăn.
CBCC cũng làm thêm đủ việc Tôi đã gặp nhiều CBCC làm việc trong các cơ quan Nhà nước phải “chạy sô” trong thời buổi vật giá leo thang.
Cùng những trăn trở, chật vật với cuộc sống nhưng khi trải lòng, họ yêu cầu tôi không ghi tên và nơi làm việc để tránh ảnh hưởng đến công việc bởi CBCC bị ràng buộc bởi một số quy định, không thể đi làm thêm bên ngoài.
Hơn 6 năm nay, chị V.T.T làm cán bộ không chuyên trách về xóa đói giảm nghèo cho một cơ quan thuộc huyện Hóc Môn - TPHCM nhưng đồng lương chỉ 1,5 triệu đồng/tháng.
Chồng chị cũng là cán bộ, lương thấp nên để nuôi cô con gái đang học đại học, hơn một năm nay, chị nhận làm báo cáo thuế cho nhiều cơ sở gần nhà. Còn chị N.T.B.T, giáo viên cấp 2 tại một trường thuộc xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, do dạy môn giáo dục công dân, không thể dạy thêm nên chị phải bán card điện thoại.
Anh T.V.T, nhân viên kế toán một cơ quan Nhà nước ở huyện Bình Chánh - TPHCM, cũng tranh thủ làm thêm đủ việc: buôn bán tại gia, nhân viên bảo hiểm… |
Bình luận (0)