Công ty Thái Bình Dương có Nhà máy Bia Pacific tại xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ngoài công việc sản xuất bia các loại, đơn vị này còn đang đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí. Ông Tân cho biết để chuẩn bị cho khu du lịch hoạt động, công ty đã tiến hành nuôi một số gấu, chồn, công...đang phát triển tốt.
Từ những con hổ bệnh tật
Còn việc nuôi hổ cũng rất tình cờ, vào khoảng tháng 3- 2000, có một người Campuchia tìm đến công ty chào bán 5 con hổ con (3 con đực và 2 con cái), có trọng lượng từ 2,8 kg- 5 kg/con. Tất cả số hổ con trên đều trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, hai chân sau rất yếu, gần như bại liệt.
Ông Tân giãi bày tâm sự: “Lúc đó tôi thấy thương những con hổ còn quá bé nhỏ,chỉ muốn làm sao nhanh chóng cứu chữa chúng, chứ chưa có ý định gì khác”. Cùng lúc trong đầu ông Tân liên tưởng về kỷ niệm thời trai trẻ từng là bộ đội trinh sát trong thời chống Mỹ, hoạt động ở khu giáp ranh Campuchia và Tây Ninh.
Lúc bấy giờ ông Tân cùng đồng đội sống trong một gia đình Khơ-me. Gia đình này có nuôi một con hổ tại nhà cho, nên ông biết khá rõ về việc chăm sóc, nuôi hổ bằng thức ăn gì... Thế là ông quyết định mua số hổ trên để nuôi thuần chủng chúng.
Ông Tân tâm sự, sau khi sở hữu số hổ trên ông đã nhanh chóng tìm đến các bác sĩ thú y giỏi có tiếng tại TPHCM và Hà Nội để chữa trị chúng. Đồng thời, liên hệ với chính quyền địa phương để xin phép được nuôi dưỡng chúng. Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Minh Đức, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương cũng đồng ý cho phép nuôi và chữa trị số hổ trên, đồng thời ủy quyền cho chi cục kiểm lâm theo dõi quản lý số hổ con đó. Và vị bí thư này còn động viên ông Tân cố gắng tìm biện pháp cho chúng đẻ để phát triển, mới có ý nghĩa. Tuy được các chuyên gia, bác sĩ thú y chữa trị nhưng tình trạng mấy chú hổ con tiến triển không mấy khả quan, nên công ty quyết định chuyển sang chữa trị theo phương pháp cổ truyền với kinh nghiệm sẵn có cũng, như cho chúng ăn những thức ăn tự nhiện mà chúng thích. Sau 2 tháng, những chú hổ con đã khỏi bệnh.
Tỉ lệ nuôi sống đạt 57%
Số hổ trên được nuôi tại Nhà máy Bia Pacific, khu đất giành riêng cho chúng khoảng trên 5.000 m2. Ngoài chuồng trại ra còn được trồng cây xanh loại cổ thụ, đồi nhân tạo, trụ cây khô (loại cứng) cho hổ mài vuốt. Nếu không có chỗ cho chúng mài, vuốt mọc ra dài uốn cong đâm vào lòng bàn chân làm cho hổ không đi được phải nằm tại chỗ và sau đó sẽ chết. Những con hổ mẹ hiện nay đã nặng khoảng 3 tạ, mỗi con ăn 7- 8 kg thịt/ngày, hổ con cũng ngốn hết 3 kg.
Đến nay các con hổ mẹ đã sinh được 5 đợt, mỗi đợt sinh 3- 6 con. Tổng số hổ con được sinh là 23 con, trong đó 13 con sống tốt. Nguyên nhân làm cho hổ con chết là do bị đồng huyết, hổ mẹ không cho con bú do bị hoảng loạn từ ánh sáng đèn flash. Ông Tân cho biết, ước mơ của ông là sớm hình thành khu du lịch sinh thái để du khách đến tham quan.
Những chú hổ vẫn phát triển tốt trong môi trường nuôi nhốt |
Hổ được nuôi trong điều kiện bán thiên nhiên, kết hợp với việc chăm sóc có chủ ý cho nên khá thân thiện với con người. Hổ con rất dễ thương và hiền lành, du khách có thể ôm hổ chụp hình như những con mèo. Còn hổ lớn, khi có khách đến tham quan, chúng còn chạy theo (có lối đi riêng dành khách tham quan với lưới bao bọc) sát bên cạnh, khách có thể vuốt đuôi, vuốt râu hổ thoải mái.
Hổ quân tử và thủy chung
Đặc tính của hổ là rất “vệ sinh”, hổ mẹ sẽ “xử lý” tất cả chất thải từ hổ con. Hổ “đi vệ sinh” cũng rất nghiêm túc có nơi, có chỗ chứ không bừa bãi. Hổ ăn uống cũng rất thượng lưu, quân tử không hề tranh giành thức ăn với đồng loại. Hổ không ăn da, mỡ cũng như các bộ phận ngũ tạng khác. Trong quan hệ “nam- nữ”, hổ rất thủy chung không hề có chuyện chung chạ.
Ông Tân cho biết, đã có khách hàng đặt mua một hổ con với giá cả tỉ đồng nhưng ông không bán, vì công ty không có nhu cầu. Ông chỉ nuôi hổ với mục đích tạo được giống hổ thuần chủng và phát triển chúng để du khách tham quan tiếp xúc trực tiếp với loài hổ. Việc nuôi hổ của ông Tân cũng khẳng định rằng hổ ở VN sẽ không bao giờ bị tuyệt chủng, vì nó đã được nuôi và đẻ được trong điều kiện nuôi nhốt.
Bình luận (0)