Một người bạn của tôi kể bữa sáng nọ anh đi trên đường, thấy 2 người đàn ông trung niên đang cãi nhau vì va quẹt xe. Chẳng biết lỗi do ai nhưng sau một hồi đôi co, một ông bực quá quát: “Mày có biết đi xe, biết luật giao thông không vậy? Đồ nhà quê!”. Nghe thế, đối phương sửng cồ: “Này mày nói ai là người nhà quê đó? Nhà tao ở thành phố này 3 đời rồi đó”. Sự việc có lẽ sẽ phức tạp hơn nếu không có người can ra và 2 ông tự hạ hỏa rồi đường ai nấy đi. Nghe kể xong tôi thở phào nhẹ nhõm, cứ sợ chuyện dẫn đến cảnh đâm chém nhau do va quẹt xe như Báo Người Lao Động đăng tuần trước về về vụ nhiều thanh niên đi đâm chém người khác như trong phim xã hội đen vì nghe cháu mình va quẹt xe, bị người khác đánh. Nhóm thanh niên này đem theo hung khí hỗn chiến với nhóm kia. Hậu quả là một người bị đâm chết tại chỗ, một người sắp phải chịu án tù.
Người dân hiếu kỳ đến xem một tài xế chết trong xe taxi, vào ngày 28-7
Đáng buồn là chuyện đánh, chém chỉ vì va quẹt xe không phải mới xảy ra mà đã diễn ra vài năm gần đây. Cãi vài câu rồi lấy dao ra đâm cho hả giận. Không cần phải phân xử, không cần lời xin lỗi hay thậm chí không cần xin lỗi khi mình sai. Người già chạy chậm, va quẹt chút xíu bị đám nhỏ quát giữa đường vì đành phải nín lặng cho qua chứ không thì sợ có đi mà không có về, dù trong lòng giận tím ruột, chửi “cái đám mất dạy đó” cả tuần.
Không chỉ vậy, người thành phố còn bu đầu vào xem những vụ tai nạn mà không hỗ trợ, ứng cứu gì vì sợ vạ lây. Một người bạn của tôi kể rằng anh đang chạy xe trên đường, gặp một người đàn ông bị tai nạn nằm bên lề đường, máu me trên đầu và đầy người nhưng những người đứng gần đó chỉ chỉ trỏ, bình luận mà không cứu giúp gì. Suy nghĩ thoáng qua nhanh, người bạn của tôi đến giúp đỡ người đàn ông bị nạn, đưa lên xe và chở đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu. May mắn là người đàn ông tỉnh lại, anh liên lạc được với người thân người bị nạn....Anh chia sẻ chuyện này trên facebook và kể về chuyện mình đã lưỡng lự nhưng cũng rất nhanh...Đa số vào bình luận, khen anh là Lục Vân Tiên, làm tốt sẽ được phước...nhưng cũng có không ít “còm” chân thành khuyên anh chớ nên dây vào việc cứu người bị nạn vì sẽ gặp nhiều rắc rối, nhỡ có ai tưởng anh là người gây tai nạn thì còn rước họa vào thân...
Nghe chuyện của người bạn mình tôi không khỏi chạnh lòng và lo lắng. Người tốt như anh ở thành phố này dần hiếm hoi thế sao? Người lơ đi có lúc nào thấy áy náy hay nghĩ đến chuyện có một ngày nó đó mình xui rủi mà không ai giúp. Có thể nào đành lòng bỏ đi hay đứng nhìn, chỉ trỏ dù người cơ hội sống của người gặp nạn ngày càng ít đi với những suy nghĩ, toan tính của nghi ngờ về tình người. Có phải là do không có cách giải quyết những vụ tai nạn trên đường mà chúng ta chưa từng gặp phải hay do ngại vác tù và hàng tổng, sợ phiền phức ảnh hưởng đến cuộc sống của mình mà nhiều người thành phố quay lưng bỏ đi với những người bị nạn cần giúp đỡ.
Cũng vì những chuyện đó mà dạo gần đây mẹ tôi vẫn hay nhắc nhở các con và đám cháu trong nhà: “Ra đường có gì thì nhịn hết đi cho yên chuyện. Mà cũng đừng can thiệp vào chuyện của người ta rồi mình mang họa....”. Tôi ậm ờ cho qua chuyện nhưng thấy rằng có gì đó chưa đúng ở đây. Mẹ tôi, một người "3 đời" sống ở Sài Gòn đã gần 70 tuổi giờ bỗng thu hẹp tấm lòng những người không may cần sự giúp đỡ. Nhưng theo tôi, thật sự với những gì bà nghe và đọc, mẹ tôi đang dần mất đi niềm tin vào lòng nhân ái của những người cùng sống ở một thành phố với mình.
Cũng như ông “3 đời ở thành phố” va quẹt xe ở trên, thú thật, ngày trước tôi có chút tự hào mình là người Sài Gòn, về nhiều cái nhất của thành phố này trong đó có cả tính hào sảng, hay giúp đỡ người khác, một trong những đặc trưng của dân Nam bộ. Còn bây giờ tôi thấy áy ngại thay hình ảnh và văn hóa của người dân Sài Gòn. Tôi tự hỏi mình đang già đi nên không thấy Sài Gòn lung linh, tình người còn ấm áp hay là thực tế xã hội đã xóa nhòa đi hình ảnh của người Sài Gòn xưa?
Bình luận (0)