Hơn 20 năm qua, ông Lâm Zũ Xênh (ngụ thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) sưu tập hàng ngàn món cổ vật khác nhau. Từ những miếng sành, sứ vỡ vụn cho đến cột kèo, mành gỗ hàng trăm năm tuổi, qua bàn tay ông đã trở thành báu vật.
Dày công phục chế
Căn nhà ông Xênh hẹp mặt tiền nhưng phía sau khá rộng, trừ một khoảng trống dành cho việc buôn bán và bốc thuốc đông y, còn lại chứa cổ vật từ chum lọ cho đến bánh lái thân tàu, mành gỗ, xác nhà...
Cầm chiếc độc bình cổ xuất xứ từ dòng gốm Mỹ Thiện danh tiếng, ông cho biết nó có niên đại 400 năm, sưu tập tại một làng gốm ven biển tỉnh Quảng Ngãi. “Đối với nhiều người, có lẽ chiếc độc bình này chẳng có giá trị nhưng với tôi, nó là báu vật” - ông nói.
Xuất thân từ gia đình 3 đời hành nghề y học cổ truyền, ông Xênh có mối quan hệ mật thiết với văn hóa sông nước, đặc biệt là ngư dân ngày đêm gắn bó với biển. Mỗi chuyến biển, ngư dân đều đến ông bốc thuốc để xông tàu bè, cầu mong chuyến biển bội thu. Bù lại, các ngư dân trong quá trình lặn biển, phát hiện nơi nào có dấu tích đồ gốm sứ, tàu bè hư hỏng đều mang về cho ông.
Tuần nào cũng vậy, ông về các làng chài thu mua cổ vật của ngư dân nhặt được. Nghe làng chài nào có những mảnh sành, sứ hoen ố màu thời gian, ông lặn lội tìm tới, tỉ mỉ thu nhặt từng món dù vụn vỡ, đem về dày công phục chế.
“Đối với nhiều người, họ thường thích cổ vật lành lặn, bóng bẩy chứ ít quan tâm những mảnh vỡ. Nhưng chính những mảnh vỡ này, nếu biết phục chế đúng cách, giá trị tinh hoa còn sống động hơn nhiều lần” - ông Xênh tâm sự và nhớ như in chuyện thu lượm mảnh vỡ sành sứ tại một khu mộ chum Sa Huỳnh trong quá trình san lấp mặt bằng Nhà máy Đóng tàu Dung Quất. Sau hơn 3 tháng nhu nhặt hơn 3.000 mảnh vỡ và mất hơn 10 năm phục chế, ông dựng lại hàng chục mộ chum, trưng bày tại nhiều bảo tàng khác nhau của miền Trung.
Chuyện dựng lại 3 căn nhà cổ cũng là một kỳ tích. Để phục dựng 3 căn nhà này, ông Xênh mất ngót nghét hơn 20 năm đi thu nhặt từng mảnh gỗ, cây cột khắp nơi. “Khi mình về các bản làng mua những trụ gỗ, mảnh gỗ này, nhiều người hỏi để làm gì. Mấy chục năm mướn thợ sửa sang, phục chế mới thấy thành quả. Khi những ngôi nhà cổ được dựng lên, nhiều người hỏi mua nhưng tôi nhất quyết không bán vì đó là tài sản vô giá” - ông chia sẻ.
Chỉ hiến tặng cho bảo tàng
Suốt mấy chục năm mày mò, mướn không biết bao nhiêu thợ giỏi khắp nước, nghệ nhân Lâm Zũ Xênh đã sở hữu tài sản gồm 3 ngôi nhà cổ; hơn 10.000 món cổ vật của văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Chăm Pa cùng hàng trăm hiện vật như xác tàu cổ, tiền cổ... Nhiều cổ vật có niên đại không dưới 1.000 năm.
Tâm sự về quá trình sưu tầm cổ vật, nghệ nhân Lâm Zũ Xênh cho biết mong muốn lớn nhất hiện nay là lập được “bảo tàng tư nhân” tại gia để người dân có thể đến tham quan, nhìn ngắm cổ vật mà ông cha ta từng gắn bó.
“Hiện nay, quá trình xin phép thành lập bảo tàng đang tiến hành. Sau khi có giấy phép, xây dựng hoàn tất khu nhà trưng bày gần 1.000 m2, người dân có thể nhìn ngắm thỏa thích những cổ vật do tôi sưu tầm” - ông Xênh nói.
Khi chúng tôi đề cập chuyện bán những cổ vật này, ông lắc đầu: “Tôi chưa từng nghĩ đến. Riêng việc sưu tầm những mảnh gỗ, trụ cột của khu nhà cổ đã tốn cả tỉ đồng nhưng đam mê thì không quy đổi tiền bạc được. Mỗi món đồ mất đi là một mất mát to lớn. Tôi chỉ có thể hiến tặng cho các bảo tàng, phục vụ trưng bày mà thôi”.
Đam mê nhiệt thành mới làm được
Ông Đoàn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn về cổ vật Việt Nam, nhận định ông Lâm Zũ Xênh là nhà sưu tầm cổ vật có một không hai. Nếu không có sự đam mê hết mình, chịu khó và tỉ mỉ của những người như ông Xênh, nhiều hiện vật quý của lịch sử đã bị xóa sổ. TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, cho rằng kho cổ vật của ông Xênh lớn nhất nhì miền Trung. “Chỉ có tình yêu, niềm đam mê nhiệt thành mới làm được” - TS Khôi nhận định.
Bình luận (0)