Người phụ nữ với những chiến công thầm lặng trong kháng chiến chống Mỹ, người chị tinh thần của bao lứa thanh niên học sinh yêu nước trong lòng TP Đà Nẵng những ngày nóng bỏng. Một cô gái có “ánh mắt chứa đựng một thế giới mới, một chân trời mới”, một người đã “giành lại tuổi trẻ từ tay số mệnh” như nhà văn Bùi Minh Quốc từng mô tả trong truyện ký Nguyệt - cô gái bị liệt chân ngồi một chỗ trên giường mà kết nối và chuyển đi bao tin tức cho cách mạng, khơi gợi và nhen lên ngọn lửa yêu nước trong lòng những học sinh Đà Nẵng giữa những năm đen tối nhất.
Trong suốt gần 70 năm cuộc đời, bà hầu như ít di chuyển ra khỏi ngôi nhà của mình. Nhưng từ nơi ở của bà, ý chí và nghị lực của bà là luồng gió lan tỏa muôn phương, là tổ ấm cho bao cánh chim cuộc đời. Đó là nữ cán bộ cách mạng kiên trung Ngô Minh Nguyệt. Dù đôi chân bị liệt nhưng bà vẫn là một cơ sở giao liên trong lòng TP Đà Nẵng, là người tổ chức cơ sở cách mạng trong phong trào học sinh TP. Bà từng được Bí thư Đặc khu ủy Khu 5, ông Hồ Nghinh, trực tiếp ra quyết định kết nạp Đảng. Buổi lễ kết nạp đặc biệt được tổ chức ngay bên chiếc giường của bà.
Ngôi nhà của bà và của mấy anh chị em đang sinh sống nằm trong khuôn viên nhà thờ tộc Ngô rộng cả ngàn mét vuông, sát bờ hồ Bàu Thạc Gián, một trong những khu trung tâm của TP Đà Nẵng hiện nay. Trong khuôn viên đó có ngôi nhà thờ tộc trên 100 năm tuổi. Căn gác nhỏ của nhà thờ là nơi nuôi giấu, bảo vệ cán bộ của Đảng về bí mật hoạt động ở nội thành liên tục cho đến ngày giải phóng Đà Nẵng. Đây cũng là nơi công tác của bộ phận chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng trong cao trào 76 ngày nhân dân nổi dậy làm chủ TP (11.3.1966 - 25.5.1966). Đó cũng là một trong những khuôn viên hiếm hoi ít chịu sự tác động thay đổi của TP qua những đợt chỉnh trang đô thị sau khi Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc trung ương cách đây 10 năm. Có chăng chỉ là những bụi tre sát bờ Bàu Thạc Gián bên góc vườn xưa đã được thay bằng con đường bê-tông sạch sẽ chạy quanh hồ. Nơi um tùm, rậm rạp thấp thoáng những ngôi nhà chồ nay là những dãy phố khang trang...
Gia đình bà Ngô Minh Nguyệt có 5 anh chị em, bà Nguyệt là chị cả. Cha bà, ông Ngô Minh Cảnh, là đảng viên từ thời kỳ chống Pháp, hoạt động đơn tuyến, bí mật trong thành. Năm người con của ông Cảnh cũng tham gia hoạt động cách mạng, vừa làm giao liên vừa hoạt động trong phong trào học sinh. Sau giải phóng, họ đều là những giáo viên, bác sĩ, kỹ sư. Trong khuôn viên nhà thờ tộc Ngô, 4 chị em bà Nguyệt vẫn quây quần sống bên nhau như ngày trước. Dấu vết thời gian, tuổi tác đã hằn in trên gương mặt mỗi người nhưng tình cảm chị em vẫn đầm ấm trong nếp nhà giản dị. Không có gì phô trương về những cống hiến đã qua. Không có gì đặc biệt trong một ngôi nhà mà những người sống ở đó đã góp phần làm nên chiến thắng cho TP, cho đất nước. Người đi đường chú ý lắm mới thấy được tấm biển di tích lịch sử nhỏ bằng đá gắn trước cổng ngôi nhà ghi nhận đây từng là địa chỉ đỏ của cách mạng. Cho đến bây giờ, ngôi nhà của bà Nguyệt vẫn là nơi anh chị em cựu học sinh phong trào lui tới thường xuyên.
Bà Ngô Minh Ngọc, em gái bà Nguyệt, thời kỳ đó vừa đi dạy học ở Trường Bồ Đề vừa làm giao liên. Nghỉ hưu, bà về sống cùng bà Nguyệt. Bà Ngọc nhẹ nhàng nhắc lại những kỷ niệm đã qua của gia đình nhưng dặn tôi đừng viết về bà bởi “những gì mình làm được là bình thường”.
Chiều đầu Xuân, những sợi nắng vàng lách qua những ngôi nhà cao tầng rắc lên mặt hồ Bàu Thạc Gián. Cái hồ xưa phủ đầy lục bình, sau này được cải tạo lại, lúc đục lúc trong nhưng vẫn như chiếc gương soi trong trẻo giữa lòng TP, soi rọi những ký ức thời gian.
Để có một Đà Nẵng đổi thay từng ngày, hiện đại hơn, đẹp đẽ hơn, sang trọng hơn, đáng sống hơn, TP này đã có những con người giản dị biết hy sinh, không tính toán thiệt hơn. Trong kháng chiến cũng thế và trong thời bình cũng vậy. Bình thản cống hiến để bảo vệ Tổ quốc và sẵn lòng hy sinh những quyền lợi riêng tư cho quê nhà, đó là nguồn tài nguyên vô giá giúp Đà Nẵng chuyển mình, tăng tốc và làm nên những đổi thay kỳ diệu.
Xin cảm ơn “Những tâm hồn tuyệt vời trong trẻo/ Những con người như ánh sáng lung linh/Mỗi đêm ra đi giản dị hiến mình/Để làm nên buổi mai đầy nắng” (Dương Hương Ly, Hạnh phúc).
Họ vẫn còn đó, mãi đến hôm nay trong những con phố cũ, đôi khi tưởng như khuất nẻo...
Bình luận (0)