Những ngày giáp Tết, không khí làm việc ở công trường 2 hầm đường bộ đèo Cả (nối 2 tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa) và Cù Mông (nối 2 tỉnh Phú Yên - Bình Định) càng khẩn trương hơn. Năm nay, các công nhân, kỹ sư sẽ ăn Tết trên công trường.
“Chúng ta đã học rất nhanh!”
Kỹ sư Lê Anh Đức, Giám đốc tư vấn dự án hầm đường bộ đèo Cả, đã theo nhiều dự án đường hầm, từ hầm Hải Vân, hầm đèo Ngang và bây giờ là hầm đèo Cả. “Làm hầm tiềm ẩn nhiều rủi ro” - ông Đức mở đầu câu chuyện khi đưa chúng tôi vào một ống hầm xuyên núi trên đèo Cả vừa được thông.
Theo kỹ sư Đức, mặc dù việc khoan hầm hiện nay nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các thiết bị định vị, quan trắc, đo hướng, đo độ dốc nhưng không thể lường hết rủi ro. “Bên trong một quả núi bao giờ cũng có những “cựa quậy” mà nhìn bên ngoài không thể biết được hết. Nếu để yên thì không có việc gì xảy ra nhưng một khi bạn đã đụng vào bên trong, dưới tác động của độ rung do máy móc, tác động của không khí từ bên ngoài lùa vào thì nó giống như con gấu lớn ngủ đông bị đánh thức, coi chừng hành động khó lường” - kỹ sư Đức ví von.
Người kỹ sư từng nhiều năm công tác tại Ban Quản lý 85 của Bộ Giao thông vận tải này cho rằng người Việt rất giỏi trong việc đào hầm, từ hầm công sự trong chiến tranh đến hầm mỏ trong khai thác quặng. Thế nhưng, trước những dự án đường hầm lớn, cần công nghệ cao thì trước đây đều phải nhờ đến chuyên gia nước ngoài. Trong triển khai hạng mục khoan hầm ở thủy điện Hòa Bình, thực hiện theo công nghệ của Nga do chính các chuyên gia Liên Xô (cũ) thực hiện. “Đấy là công nghệ dựa vào sự chịu lực của vỏ hầm, có thể thi công bê tông cốt thép rất dày, đến khoảng 60 cm. Nhưng công nghệ này cũng tiềm ẩn những rủi ro trong quá trình thi công” - kỹ sư Đức nói.
Công nhân, kỹ sư người Việt Nam trực tiếp tham gia khoan hầm đèo Cả
Kỹ sư Đỗ Văn Nam - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, người nhiều năm công tác ở Công ty Cổ phần Sông Đà 10 - cho rằng công nghệ đào hầm mà người Việt áp dụng hiện nay là công nghệ NATM. Phương pháp làm hầm mới của Áo này rất tiên tiến và phổ quát trong mọi địa hình, địa chất. Các công nhân, kỹ sư người Việt lần đầu tiếp cận phương pháp này vào năm 2000 ở hầm Hải Vân. Đây là công nghệ tạo sự ổn định cho hầm bằng hệ thống bê tông phun và neo đá.
“Khi triển khai dự án hầm Hải Vân, toàn bộ các khâu từ thiết kế, thi công, giám sát đều do người Nhật đảm nhận. Người Việt chỉ tham gia với tư cách nhà thầu phụ. Thế nhưng, chúng ta đã học rất nhanh. Để đến khi thực hiện hầm đèo Ngang, hơn một nửa công việc do người Việt đảm nhận. Đến dự án hầm đèo Cả, người Việt đã vươn lên làm chủ công nghệ khoan hầm này. Chỉ một số ít chuyên gia Nhật Bản giúp sức trong khâu tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát” - ông Nam nói.
An toàn gần như tuyệt đối
Kỹ sư Nam cho hay đối với thợ đào hầm, không lúc nào vui bằng khi gương hầm cuối cùng được khoan từ 2 đầu vào thông nhau. “Dù được đo đạc, định vị kỹ nhưng suốt cả năm khoan đào, không thể biết chắc được việc gì sẽ đến. Đến khi gương hầm cuối cùng được khoan thủng, ánh sáng từ đầu bên kia hầm lóe lên, niềm vui như vỡ òa. Anh em ôm nhau. Nhiều người đã khóc” - kỹ sư Nam kể lại thời điểm thông hầm đèo Cả.
Những công nhân, kỹ sư vào thời điểm đó không thể không vui khi thật sự làm chủ công nghệ khoan hầm NATM. Hai ống hầm của đèo Cả chạy song song, mỗi ống hầm dài đến 4.125 m với thiết kế ôm cong thế nhưng ở gương hầm cuối cùng, độ lệch giữa 2 đầu hầm gặp nhau chỉ dưới 5 cm. Tiết diện sai số cho phép khi nổ mìn là 20 cm nhưng ở đây chỉ lệch dưới 5 cm. Đây là sai lệch thấp nhất từ trước đến nay ở các công trình hầm Việt Nam. Điều đó cho thấy kỹ sư, công nhân người Việt đã lĩnh hội, làm chủ được công nghệ khoan hầm tiên tiến.
Với một công trình quy mô lớn như vậy nhưng đã không để xảy ra một tai nạn nào đáng tiếc. ThS Phạm Văn Bường - công tác tại Văn phòng Tư vấn thiết kế dự án hầm đèo Cả, đèo Cù Mông và Hải Vân 2 - cho rằng hiện tượng đứt gãy địa chất là kẻ thù số 1 của các công trình hầm xuyên núi. Đó là hiện tượng đất đá bị giảm yếu về cường độ do vỡ vụn vỏ nhàu bởi các kiến tạo địa chất. Nguy hiểm hơn, tại các điểm đứt gãy thường có các túi nước ngầm; nếu không phát hiện trước, khoan trúng sẽ bị bục nước, nguy hiểm đến tính mạng người thi công.
Tại hầm đèo Cả, các đứt gãy được dò tìm bằng phương pháp đo sâu điện trở và phương pháp khảo sát địa chất khúc xạ. Khi gặp điểm đứt gãy, giá trị điện trở cũng như tốc độ sóng đàn hồi sẽ giảm đột ngột xuống dưới 50%. Nhờ 2 phương pháp này, dù đường hầm đào sâu dưới lòng núi hơn 450 m (so với đỉnh núi), phần lớn các điểm đứt gãy đều được phát hiện.
Theo ông Phan Văn Thắng - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hải Thạch - trong suốt quá trình thi công hầm Cổ Mã và hầm đèo Cả chỉ xảy ra 2 vụ có dấu hiệu sạt trượt. “Cả 2 vụ đều rơi ở các điểm đứt gãy và được phát hiện kịp thời khi chỉ mới có dấu hiệu sạt trượt. Ngay khi phát hiện, chúng tôi thông báo và đã hội ý nhanh giữa các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và đơn vị thi công để đưa ra biện pháp khắc phục. Chúng tôi đã phun bê tông dày hơn, sử dụng lượng thuốc nổ ít lại cùng với việc thu nhỏ gương hầm khi đào nên đã bảo đảm an toàn” - kỹ sư Thắng nói.
Hiện nay, trên công trường hầm đèo Cả chỉ còn 5 chuyên gia người Nhật của Công ty Tư vấn Nippon Koei. Còn trên công trường hầm Cù Mông, toàn bộ là công nhân, kỹ sư người Việt. Hầm Hải Vân 2 sắp tới cũng tương tự.
Kỳ tới: Học công nghệ Áo từ người Nhật
Bình luận (0)