Công nghệ khoan hầm NATM xuất phát từ nước Áo vào những năm 1950-1970 với các kỹ sư tài năng như Rabcewicz, Muller, Pacher, Lauffer, J. Golser. Người Nhật cũng học NATM từ châu Âu rồi biến công nghệ này thành sản phẩm của mình, sau đó chuyển giao cho các nước.
Vừa học vừa làm
Kỹ sư Nguyễn Hữu Châu, đồng Giám đốc tư vấn giám sát tại công trình hầm đèo Cả của Nippon Việt Nam, tự nhận mình vẫn như một “sinh viên”. Theo kỹ sư Châu, phần lớn các kỹ sư Việt Nam tham gia thiết kế, giám sát, thi công ở hầm đèo Cả từng trải qua công việc phụ tá ở hầm Hải Vân. Tại đây, họ học được rất nhiều từ các chuyên gia người Nhật Bản trong việc áp dụng công nghệ NATM để khoan hầm.
“Nhưng đến hầm đèo Cả mới thật sự là một trường học lớn cho công nhân, kỹ sư Việt Nam. Chuyên gia người Nhật đến dự án này với tư cách là người chuyển giao hơn là làm. Bây giờ, chúng tôi có thể tự tin nói rằng đã nắm vững công nghệ NATM. Tuy nhiên, nếu hỏi đã học hết bài của chuyên gia người Nhật chưa thì tôi vẫn phải thừa nhận là chưa. Với người Nhật, còn nhiều điều để chúng ta phải học” - ông Châu nói.
Để học những lý thuyết cơ bản của một công nghệ với kỹ sư Châu không khó và không tốn nhiều thời gian nhưng để áp dụng vào từng hoàn cảnh, từng loại địa chất và trong từng sự cố gặp phải thì rất nhọc nhằn. Với chuyên gia đào hầm người Nhật, sự tỉ mỉ, chi tiết và kỹ lưỡng luôn được đặt lên hàng đầu. Đây là điều mà người Việt thường thiếu. Trong khoan hầm, thời điểm khó khăn nhất là khi mở cửa hầm vì địa chất yếu do lớp đá bên ngoài bị phong hóa, dễ xảy ra sạt trượt. Ở thời điểm này, chuyên gia người Nhật chỉ cho phép đào các gương hầm với tiết diện nhỏ và luôn theo dõi kỹ lưỡng những biến đổi của địa chất để đưa ra cách ứng phó kịp thời.
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Tú, chỉ huy trưởng của nhà thầu CM Việt Nam trên công trường hầm đèo Cả, tự hào khi được làm chung với chuyên gia Nhật Bản từ lúc ra trường năm 2004 đến nay. Ngay sau khi ra trường, anh đã có cơ hội làm việc cùng chuyên gia Nhật Bản với tư cách là nhà thầu phụ trên công trường hầm cao tốc 5 km ở Nigeria. “Tôi đã nắm bắt công nghệ NATM ngay từ đó. Người Nhật không có ý nghĩ giấu nghề. Nếu chúng ta chịu học, họ sẽ chỉ bảo rất tận tình. Tôi học được ở họ rất nhiều. Đến giờ này, tôi tự tin mình cũng như những công nhân, kỹ sư người Việt khác có thể làm hầm tốt dù không có chuyên gia nước ngoài ở bên” - kỹ sư Tú khẳng định.
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Tú cũng cho biết về văn hóa, người Việt và người Nhật gần tương đồng. Đây là điều kiện tốt để người Việt học hỏi nhiều hơn từ các chuyên gia đào hầm Nhật Bản. Tuy nhiên, trong quá trình vừa học vừa làm, anh cũng chứng kiến một số người Việt không sửa được tính cẩu thả và đã bị chuyên gia người Nhật tìm cách “đuổi khéo”. “Một trong những điều chuyên gia người Nhật rất ghét làm muộn về sớm. Họ làm việc rất đúng giờ. Mình đã học được họ rất nhiều về tác phong công nghiệp ấy” - kỹ sư Tú nói.
Chuyên gia Nhật nói gì?
Ông Tadahiro Nezu, kỹ sư thường trú của Công ty Nippon Koei đảm trách nhiệm vụ tư vấn giám sát ở hầm đèo Cả, đã sang Việt Nam gần 3 năm nhưng chỉ về nước 1 lần dù chế độ của công ty cứ 6 tháng, ông sẽ được về nước 2 tuần. Ông rất yêu quý và đánh giá cao các nhà thầu, công nhân, kỹ sư Việt Nam vì học rất nhanh, chịu khó.
“Ngày tôi mới sang, thấy kỹ năng làm việc của các công nhân, kỹ sư Việt Nam khác. Bây giờ, trình độ họ đã nâng lên khá cao. Tôi tự tin là họ sẽ làm tốt công việc của mình” - kỹ sư Nezu nhìn nhận.
Khi chúng tôi hỏi đùa rằng liệu ông có giấu nghề không thì người kỹ sư 61 tuổi khề khà: “Giấu thì không giấu nhưng nếu hỏi chỉ hết nghề chưa thì chắc chưa. Cái nghề này sẽ học được nhiều khi xử lý sự cố mà anh cũng như tôi thôi, không ai muốn có sự cố xảy ra khi làm”.
Kỹ sư Ichizuru Ishimoto, Giám đốc tư vấn giám sát công trình hầm đèo Cả của Công ty Nippon Koei, đã thẳng thắn khi bảo rằng dự án hầm đèo Cả như một trường học lớn để các nhà thầu trong nước có thể trưởng thành và tự tin làm các hầm khác. Sau thời gian thực hiện dự án này, có thể nói trình độ tay nghề của các nhà thầu Việt Nam phát triển hơn trước rất nhiều. Vị chuyên gia này gọi những nhà thầu trên công trường là những “chàng sinh viên” ham học. “Những “sinh viên” ngày nào giờ đã tự tin và có thể đi làm các dự án khác, thậm chí ở cả nước ngoài. Chúng tôi rất tự hào khi thấy sự trưởng thành của các công nhân, kỹ sư Việt Nam” - ông Ishimoto nói.
Rất sợ… phụ nữ
Đây là câu nói vui của kỹ sư Nguyễn Ngọc Tú - chỉ huy trưởng của nhà thầu CM Việt Nam tại công trường hầm đèo Cả. Theo kỹ sư này, trong suốt quá trình vừa học vừa làm với các chuyên gia Nhật Bản, cả trong nước lẫn nước ngoài, không bao giờ ông thấy có bóng dáng phụ nữ vào hầm, nhất là ở giai đoạn từ khi mở cửa đến khi thông hầm. “Hỏi ra mới biết quan niệm của người Nhật, con gái là nước. Mà làm hầm thì sợ nhất là nước nên họ không cho bất kỳ phụ nữ nào vào hầm khi đang thi công” - kỹ sư Tú lý giải.
Kỳ tới: Nằm trong tầm tay người Việt
Bình luận (0)