Theo thống kê của các địa phương miền Trung, tính đến ngày 22-10, tổng số người chết do mưa lũ là 76 (Nghệ An 24 người, Hà Tĩnh 20 người, Quảng Bình 12 người, Thanh Hóa 5 người và 15 người trên xe khách bị lũ cuốn trôi); 6 người mất tích (Hà Tĩnh 1 người, Quảng Ngãi 1 người và 4 người trên xe khách bị lũ cuốn trôi); 42 người bị thương (Hà Tĩnh 26 người và Quảng Bình 16 người).
Người dân Hà Tĩnh dọn dẹp sau lũ. Ảnh: QUANG NHẬT
Thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại
Bộ Y tế đã đề nghị Công ty Cổ phần Thiết bị y tế MEDINSCO và Công ty Dược Trung ương III cấp 60 cơ số thuốc, 300.000 viên Cloramin B và 150 chiếc áo phao cho Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Quân khu 4 để phục vụ khắc phục hậu quả lũ lụt. Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương tiếp tục tổng hợp tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt tại các tỉnh; thường xuyên thông báo diễn biến bão Megi và thông báo lũ tới Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh - thành để theo dõi, chủ động tham mưu các biện pháp sẵn sàng đối phó.
UBND tỉnh Nghệ An đã triển khai công tác thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người chết, bị thương; cứu trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men cho nhân dân bị ngập lũ. Tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp cận được tất cả các hộ dân để tiếp tế lương thực và nước uống. Tỉnh Quảng Bình đang huy động toàn bộ nguồn lực cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự ủng hộ của đồng bào cả nước để khắc phục hậu quả nặng nề của 2 đợt lũ vừa qua.
Xuất hiện nhiều dịch bệnh
Ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết nguy cơ dịch bệnh xuất hiện sau lũ là rất lớn. Bộ Y tế đã cử các đoàn y tế về tăng cường giúp các địa phương ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Qua báo cáo nhanh của các sở y tế, mưa lũ gây ngập lụt nặng các cơ sở y tế như: Hà Tĩnh có 114 trạm y tế và 1 bệnh viện đa khoa huyện bị ngập; Nghệ An có 7 trạm y tế bị ngập nước; riêng tỉnh Quảng Bình, nhiều trạm y tế tại huyện Minh Hóa, Quảng Trạch, Tuyên Hóa bị ngập sâu... Đặc biệt, tại các tỉnh đã xuất hiện một số dịch bệnh như đau mắt đỏ, tiêu chảy, nước ăn chân... và có nguy cơ xuất hiện nhiều dịch bệnh khác.
Theo các chuyên gia y tế, để phòng tránh nhiễm khuẩn đường ruột, người dân phải thực hiện tốt vệ sinh ăn uống. Sau khi nước rút, mọi người cần tổ chức tổng vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà, đường làng ngõ xóm; cào quét bùn đất, phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi...
Đông Bắc biển Đông có sóng cao từ 7 - 10 m
Mực nước các sông từ Nghệ An đến Hà Tĩnh tiếp tục xuống
Lúc 16 giờ ngày 22-10, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 21,9 độ vĩ Bắc; 118,3 độ kinh Đông trên khu vực phía Đông Bắc biển Đông, cách bờ biển tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) khoảng 240 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km/giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 16 giờ ngày 23-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 24,1 độ vĩ Bắc; 118,1 độ kinh Đông, ngay sát bờ biển phía Tây Nam tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km/giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Như vậy, tối 23-10, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận phía Tây Nam tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), sau đó bão tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển ngoài khơi phía Đông Nam tỉnh Quảng Đông) có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 14. Sóng biển cao từ 7 - 10 m, biển động dữ dội.
- Hôm nay (23-10), mực nước các sông từ Nghệ An đến Hà Tĩnh tiếp tục xuống; các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm. |
Bình luận (0)