xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguy cơ đổ vỡ dự án 45 tỉ đồng

THẾ KHA

Triển khai dự án điện tử hóa cơ sở dữ liệu dân cư tại 5 quận nội thành có kinh phí 45 tỉ đồng nhưng UBND TP Hà Nội lại không tham khảo ý kiến của Bộ Công an

Thông tin trên được Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục 7 - Bộ Công an), đưa ra tại buổi họp báo công bố Quyết định phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 13-6.

img
Làm thủ tục lấy dấu vân tay tại một cơ quan công an ở TP Hà Nội Ảnh: Hà Tuấn Anh

Tự ý triển khai

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết Chính phủ đã cho phép Bộ Công an đầu tư, xây dựng đề án cấp CMND 12 số được sử dụng làm mã số công dân từ năm 2006 song phải đến năm 2011 mới bắt đầu triển khai thí điểm tại 3 quận, huyện ở Hà Nội; đã cấp được khoảng 60.000 CMND mới và quản lý trên phần mềm đang được Bộ Công an hoàn thiện để triển khai trên cả nước.

Tuy nhiên, cách đây hơn 4 năm, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt một khoản kinh phí rất lớn để xây dựng mạng dữ liệu về công dân thủ đô. Việc này được giao cho Công an TP Hà Nội chủ trì và thuê Công ty NEC Solutions Vietnam Co., Ltd (trụ sở tại Hà Nội) thuộc Tập đoàn NEC (Nhật Bản) thực hiện. "Công an TP Hà Nội không bàn bạc gì với Bộ Công an mà tự thiết kế phần mềm, phát phiếu cho người dân kê khai thông tin rồi cập nhật lên mạng dữ liệu do mình xây dựng" - ông Vệ nói.

Đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát Đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72 - Tổng cục 7), cho biết dự án này được UBND TP Hà Nội "rót" 45 tỉ đồng để thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư tại 5 quận nội thành, sau khi thành công sẽ triển khai trên toàn thủ đô. "Mới đây, đại diện NEC đã phản ánh với chúng tôi rằng dự án đang bị "vấp" phải nhiều khó khăn" - ông Dung cho biết.

Coi như thất bại (?!)

Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, năm 2008 nhóm nghiên cứu khoa học thuộc Cục Tin học nghiệp vụ, Tổng cục Kỹ thuật - Hậu cần (Bộ Công an) đã triển khai thành công việc điện tử thông tin của 300.000 tội phạm và xác minh nhanh chóng danh tính của 200.000 người bị tình nghi liên quan đến các vụ vi phạm hình sự. Thông qua việc tra cứu dấu vân tay đã được điện tử hóa lên mạng nội bộ ngành công an, rất nhiều đối tượng trộm cắp tài sản, giết người đã bị phát hiện nhanh chóng. Công trình nghiên cứu này sau đó đã đoạt giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) năm 2008.

Từ thành công đó, được sự gợi ý của nhiều bên, chủ nhiệm công trình nghiên cứu là TS Nguyễn Ngọc Kỷ (cán bộ Cục Tin học nghiệp vụ, một trong những chuyên gia đầu ngành về hệ tàng thư, căn cước, căn phạm công dân ở Việt Nam) đã đề xuất thực hiện trên toàn TP Hà Nội, thực hiện quét dấu vân tay trên CMND của mọi công dân đang lưu trữ tại các phòng nghiệp vụ của công an để thuận tiện cho công tác quản lý về sau. Đề xuất của ông Kỷ được Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật và Bộ Công an ủng hộ.

Tuy nhiên, sau đó, Hà Nội đã điều chỉnh mục tiêu thực hiện và tổ chức đấu thầu thực hiện dự án điện tử hóa cơ sở dữ liệu dân cư, giao Công an TP Hà Nội chủ trì. Từ đó, đề án của TS Kỷ và cộng sự bị gạt ra ngoài. "Công an TP Hà Nội đã không lường hết những khó khăn khi cập nhật thông tin từ tàng thư căn cước công dân nên mới loay hoay mãi hơn 4 năm rồi mà chưa đâu vào đâu" - TS Kỷ nhìn nhận.

Theo Thiếu tướng Trần Văn Vệ, xét về mặt nghiệp vụ, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu của Công an TP Hà Nội coi như đã thất bại.

Trả lời câu hỏi về việc liệu có xem xét tới những gì Công an TP Hà Nội đã làm được trong dự án này để "lồng ghép" vào dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà Bộ Công an đang triển khai hay không, đại tá Vũ Xuân Dung cho biết đến giờ vẫn chưa có sự trao đổi giữa Công an TP Hà Nội và Bộ Công an.

Trong ngày 14-6, chúng tôi đã cố gắng liên lạc với đại diện Công an, UBND TP Hà Nội và NEC Solutions Vietnam Co., Ltd nhưng đều không nhận được phản hồi hoặc từ chối trả lời. Đại diện NEC Solutions Vietnam Co., Ltd cho biết mọi thông tin về hợp đồng giữa họ với Công an TP Hà Nội đều thuộc diện không thể cung cấp, trao đổi với báo chí.

Lãng phí nối tiếp lãng phí

Trước đây, Báo Người Lao Động từng phản ánh về việc Na Uy giúp Ủy ban Quốc gia Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (hiện nay là Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Bộ Y tế) xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trị giá 10 triệu euro; sau khi thí điểm thành công ở 3 miền đã có dự định mở rộng ra cả nước. Tuy nhiên, đến năm 2008, khi dự án được chuyển cho Bộ Công an để sửa một số quy định, thực hiện tiếp thì gần như không được đề cập. Tại cuộc họp báo chiều 13-6, đại diện Bộ Tư pháp và Bộ Công an cho biết dự án của Na Uy tài trợ cũng đã được nhắc tới khi xây dựng đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cấp mã số định danh cá nhân. Tuy nhiên, do không phù hợp với yêu cầu quản lý hiện nay nên không thể sử dụng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo