Tìm nguyên do để cải thiện phần nào thực tế đó là một việc cần làm nhưng điều cần làm hơn là những bước chuẩn bị thay đổi phương thức sản xuất của người dân địa phương để người dân không bị bứng khỏi môi trường sống của mình một cách thụ động.
Kịch bản về những cuộc di dân do biến đổi khí hậu và thay đổi môi trường (còn gọi là tị nạn môi trường) trên toàn cầu đã được các nhà khoa học cảnh báo từ 30 năm trước. Theo Liên Hiệp Quốc, tị nạn môi trường được hiểu là “cư dân phải rời bỏ môi trường sinh sống truyền thống trong tạm thời hoặc lâu dài vì môi trường bị phá hủy bởi các yếu tố nhân tai và thiên tai, đẩy họ đến chỗ mất sinh kế, sự tồn tại gặp nguy hiểm, chất lượng sống xuống cấp”. Các chuyên gia nghiên cứu về vấn đề di cư môi trường của Hội Chữ thập đỏ quốc tế cho rằng hiện đang có 50 triệu người đang mất đất sống truyền thống, phải rời quê để tìm sinh kế nơi những đô thị đông đúc và những quốc gia có điều kiện sống khá hơn.
Trong bức tranh chung đó, Việt Nam được xem là nước thuộc nhóm dễ tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Việc đón nhận và xử lý thực tế bằng các chính sách hạn chế nguy cơ xáo trộn xã hội do môi trường gây ra là vô cùng cần thiết. Bấy lâu, chuyện những nông dân miền Tây Nam Bộ, cái nôi lúa của Việt Nam lâu nay, phải đi làm lúa thuê ở Thái Lan, Campuchia đã trở nên phổ biến khi đất quê hương một thời trù phú nay không còn đủ sức nuôi sống mình. Chuyện những ngư dân không còn kiếm được cá trên vùng biển truyền thống, phải di chuyển đến các vùng biển khác để đánh bắt và gây nhiều hệ lụy… đang là vấn đề nhức nhối.
Trong khi đó, việc nên chuyển đổi mô hình nuôi trồng nương theo hạn, mặn hay không còn là vấn đề gây tranh cãi của các nhà khoa học. Người dân cần những giải pháp vĩ mô bảo đảm an sinh lâu dài chứ không chỉ dừng lại ở những chiến dịch cứu trợ nhất thời hay những cuộc tranh cãi bất tận.
Điều tương tự cũng đang xảy ra ở vùng biển miền Trung. Đời sống người dân ở những vùng biển có hiện tượng cá chết cũng đang lâm vào tình trạng khốn đốn khi ra khơi xa thì gặp tàu Trung Quốc ngang ngược chèn ép, khi đi biển gần thì nguồn thủy sản đang nhiễm độc “chưa rõ nguyên nhân”. Những lời kêu gọi người dân tin tưởng bám biển trong tình cảnh này sẽ không hiệu quả nếu không có những giải pháp cải thiện môi trường bền vững, không có những biện pháp an ninh biển bảo đảm sinh kế của họ trên những vùng ngư trường quê nhà lâu dài.
Đặt Việt Nam trong bối cảnh bức tranh di cư vì môi trường trên thế giới để thấy rằng giải pháp tháo gỡ vấn đề mang tính nguồn gốc cần được thực thi càng sớm càng tốt. Trong đó, chọn lựa phát triển bền vững phải đi cùng với một viễn kiến lâu dài trong chính sách bảo đảm sinh kế, an sinh của cư dân ở những vùng dễ bị tổn thương bởi các yếu tố nhân tai và thiên tai.
Bình luận (0)