xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguy cơ từ sự xâm lấn của những sinh vật ngoại lai

SINH HỌC.- Trong thế giới sinh vật, có một cuộc xâm lấn âm thầm và nguy hiểm từ các sinh vật lạ, có nguồn gốc từ nước ngoài. Chúng đang tấn công các loài bản địa, phá vỡ cân bằng sinh thái bản địa và vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Sự kiện “cá chim trắng” không phải là hiện tượng đầu tiên gặp phải ở VN

15.000 cá chim trắng vào VN từ năm 1998

Loài cá dữ đang nuôi tại Đồng Nai là cá chim trắng (Colossoma brachypomum)! Ngày 25-6, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã đưa ra kết luận chính thức như trên sau khi phân tích hai mẫu vật cá sống được bắt từ huyện Tân Phú, Đồng Nai và đưa về viện từ hôm 24-6. Các chuyên gia thuộc viện đã giải phẫu hai con cá nói trên và đối chiếu với hai mẫu định dạng phân loại có tại viện về loại cá cọp (Piranhas) và loại cá chim trắng (Colossoma brachypomum).

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, Bộ Thủy sản là nơi đã cho phép nhập cá chim trắng vào VN. 15.000 con cá chim trắng giống đã được Bộ Thủy sản cho phép nhập vào VN qua Công ty Dịch vụ Nuôi trồng Thủy sản Trung ương vào ngày 7-8-1998. Từ đó, cá chim trắng đã được nuôi thử nghiệm tại nhiều nơi ở phía Bắc như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An... trước khi được “khuyến ngư” nuôi tại một số nơi trên sông Đồng Nai.

K. Oanh

2.000/8.000 ha đất rừng ở Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim đã bị cây mai dương xâm lấn!”, TS Trần Triết, quyền Trưởng Bộ môn Thực vật – Sinh môi, Khoa Sinh ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM thở dài ngao ngán.

Từ hiểm họa cây mai dương...

Là nhà khoa học đã nhiều năm theo dõi vấn đề cây mai dương xâm lấn VQG Tràm Chim, TS Trần Triết cho biết, xuất hiện vào những năm 1980 ở Tràm Chim, cho đến nay, mai dương đã chứng tỏ là loài cây có sức sống mãnh liệt. Hạt của chúng có thể nảy mầm sau 23 năm. Chỉ sau 3 tháng, một cây con có thể phát triển cao tới 6 m, đường kính 1 - 2 m. Cây mai dương phát triển nhanh chóng, số lượng tăng gấp đôi sau 1 năm. Điều tai hại là, loài cây này có đặc tính chỉ mọc một mình và lấn át, không cho những loài thực vật khác cùng chung sống với mình. Ở VQG Tràm Chim, sự xâm lấn của mai dương còn đe dọa sự sinh tồn của cây cỏ năng, vốn là thức ăn của loài sếu đầu đỏ... Không chỉ có vậy, cây mai dương còn làm cản trở giao thông, gây khó khăn cho việc đánh bắt cá và làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân quanh khu vực VQG Tràm Chim.

...Đến cá chim trắng

Trong khi VQG Tràm Chim (Đồng Tháp) đang phải chống chọi với sự xâm lấn từ cây mai dương từ khoảng 20 năm nay thì mới đây, ở Đồng Nai lại phát hiện cá chim trắng đang ẩn chứa nguy cơ tiềm tàng đe dọa môi trường sinh thái trong khu vực. Trong chuyến khảo sát thực tế của phóng viên Báo Người Lao Động vào ngày 24 – 6 tại VQG Cát Tiên và hộ dân nuôi cá chim trắng tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, ngay tại bến phà vào VQG Cát Tiên đã thấy dán đầy những tấm áp phích cảnh báo cá “Piranhas rất nguy hiểm”. Áp phích cho biết cá Piranhas còn gọi là cá chim trắng hay cá cọp, với hàng loạt những cảnh báo như: Piranhas sẽ tiêu diệt các loài cá địa phương, thay đổi và tàn phá hệ thống sinh thái thủy sinh đặc thù và phong phú của sông Đồng Nai và VQG Cát Tiên... Áp phích cũng khuyến cáo “Ngày hôm nay hãy ngừng nuôi cá Piranhas”. Không chỉ riêng tại bến phà, tại mỗi nhà người dân ở huyện Tân Phú đều có dán tấm áp phích. Tác giả của những tấm áp phích này, người dân cho biết đó là của VQG Cát Tiên.

Nguy hại từ cá dữ

Phóng viên Báo Người Lao Động đã đặt thẳng câu hỏi với thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Phòng Môi trường và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản – Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II: Cá chim trắng có gây nguy hiểm đến môi trường sống? Một cách thận trọng, thạc sĩ Tùng cho biết, ông chỉ có thể trả lời câu hỏi trên với tư cách là một chuyên gia. Theo ông, dù loài cá đang nuôi tại Đồng Nai là cá chim trắng, không phải là cá Piranhas như một số thông tin ban đầu thì đây cũng là một loài cá nguy hiểm đối với môi trường sống. Nếu cá chim trắng được nuôi trong ao hồ dưới sự kiểm soát của người nuôi thì chưa gây ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, không loại trừ việc cá chim trắng thoát ra môi trường tự nhiên do không kiểm soát tốt đê bao hồ nuôi, lồng bè hoặc khi nước lũ tràn về. Trong trường hợp này, chắc chắn cá chim trắng sẽ phát huy tối đa khả năng sinh tồn, tấn công các loài sinh vật bản địa và trở nên hung tợn, không thể lường trước.

Bài học ốc bươu vàng

Sinh vật lạ xâm lấn gây nguy hại ra sao? Theo tài liệu của Cục Bảo vệ Môi trường, sinh vật ngoại lai xâm hại trước hết là những loài không có nguồn gốc bản địa. Khi được đưa đến một môi trường mới, do thiếu vắng các đối thủ cạnh tranh và thiên địch như ở quê nhà cùng với điều kiện sống thuận lợi, các loài này có điều kiện sinh sôi nảy nở rất nhanh và đến một lúc nào đó phá vỡ cân bằng sinh thái bản địa và vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Lúc này nó trở thành loài ngoại lai xâm hại. Sinh vật ngoại lai có thể xâm nhập vào một môi trường sống mới bằng nhiều cách. Nó có thể đi theo con đường tự nhiên như theo gió, dòng biển và bám theo các loài di cư, nhưng quan trọng hơn cả là do hoạt động của con người. Cùng với sự phát triển của giao thông vận tải và hoạt động thông thương, con người đã mang theo, một cách vô tình hay hữu ý, các loài sinh vật từ nơi này đến nơi khác thậm chí đến những vùng rất xa quê hương của chúng. Nhiều loài được du nhập một cách có chủ ý cho các mục đích kinh tế, giải trí, khoa học nhưng do không được kiểm tra và kiểm soát tốt đã bùng phát và gây ra nhiều tác hại nặng nề. Trường hợp ốc bươu vàng (Pomacea sp.) đã được nhập khẩu vào nước ta khoảng 10 năm trước đây là một ví dụ. Loài ốc này đã nhanh chóng lan tràn từ đồng bằng sông Cửu Long ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc, phá hại nghiêm trọng lúa và hoa màu của các địa phương này. Hàng năm, Nhà nước phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng cho công tác tiêu diệt ốc bươu vàng nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả mong muốn.

K.Ý-K.Oanh-T.Thảo


7 loài sinh vật lạ đã xâm lấn vào VN

1. Ốc bươu vàng: Vào VN từ những năm 1980. Đây là loài ốc nước ngọt phàm ăn, gây hại cho các loài thực vật thủy sinh như lúa, sen, khoai nước, củ ấu.

2. Chuột hải ly: Được nhập khẩu để nuôi thử nghiệm từ đầu năm 2000 nhưng sau đó, Nhà nước phát hiện kịp thời và tiêu hủy. Đây là loài gặm nhấm, kích thước lớn, sống trong môi trường nửa nước, nửa cạn. Chúng đào hang sống trong các bờ sông, bờ đê, bờ đập và gây suy yếu, xói lở bờ sông, thân đê, thân đập.

3. Sáo đá xanh: Tại VN, đã phát hiện sáo đá xanh ở Hải Dương, Hưng Yên vào mùa đông 1975-1976. Sáo đá xanh là loài chim phàm ăn, làm giảm số lượng các loại côn trùng bản địa, phá hoại mùa màng. Chúng còn trừ khử nhiều loài chim bản địa, chiếm cứ nơi làm tổ, làm biến đổi đa dạng sinh học của nhiều vùng.

4. Cây trinh nữ đầm lầy (cây mai dương): Đây là loài cỏ dại nguy hiểm đứng hàng thứ ba và nằm trong danh sách 100 loài sinh vật lạ xâm lấn trên thế giới. Ở VN, cây trinh nữ đầm lầy đã lây lan đến hầu hết các tỉnh từ miền Bắc đến miền Nam, đặc biệt ở khu vực hồ Trị An, lưu vực sông La Ngà, Vườn Quốc gia Cát Tiên và các tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang

5. Bèo Nhật Bản: Có nguồn gốc từ Nhật Bản, xâm nhập vào VN từ những năm 1930 theo đường biển. Hiện chúng đã lan tràn ở hầu hết các ao, hồ nước ngọt trên khắp VN. Bèo Nhật Bản phát triển rất nhanh trong các thủy vực làm cản trở giao thông thủy, cạnh tranh với các loài thực vật thủy sinh bản địa và làm suy giảm đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái ở thủy vực.

6. Hoa ngũ sắc: Ở VN, hoa ngũ sắc được trồng làm cây cảnh ở nhiều nơi và hiện chưa gây hại rõ rệt, nhưng sẽ trở thành loài cỏ dại như ở nhiều nước trên thế giới. Chúng đã gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp của hơn 50 nước trên thế giới.

7. Cây keo giậu: Là loài cây không gai, mọc thành các bụi cây rậm rạp. Cây này đã nằm trong danh sách 100 loài sinh vật lạ xâm lấn nguy hiểm nhất trên thế giới. Ở VN, cây keo giậu mọc hoang hoặc được trồng ở nhiều nơi.

(Nguồn: Tài liệu của Phòng Bảo tồn Thiên nhiên - Cục Môi trường)


Bà Lê Thanh Bình, Phòng Bảo tồn Thiên nhiên – Cục Bảo vệ Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường:

Hai bộ NN&PTNT, Thủy sản có liên quan nhiều nhất

Phóng viên: Thưa bà, hiện đã có những cuộc điều tra nào đối với việc xâm lấn của các loài sinh vật lạ vào VN?

- Bà Lê Thanh Bình: Đây còn là vấn đề khá mới mẻ ở VN. Hiện tại, ở VN chưa có cơ quan nào tiến hành đánh giá, thống kê đầy đủ về sự xâm nhập của các sinh vật lạ, nhất là những loài mới xâm nhập và đang tiềm ẩn nguy cơ phát triển gây ảnh hưởng trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp.

. Trong những năm gần đây, đã có một số đơn vị nhập khẩu các loài sinh vật lạ vào VN. Chẳng lẽ nước ta không có cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm soát vấn đề này?

- Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Thủy sản là hai ngành có liên quan nhiều nhất đến vấn đề. Việc nhập các loài sinh vật lạ đã được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường. Theo đó, danh mục nhập các loài sinh vật sẽ do từng bộ chủ quản quy định và chịu trách nhiệm giám sát thực hiện. Nếu nhập khẩu một loài có liên quan tới môi trường thì trước đây, các bộ ngành thường xin ý kiến của các cơ quan chức năng về môi trường, nhưng gần đây việc này không được thực hiện thường xuyên

. Trước sự đe dọa của các loài sinh vật lạ đã và đang tiếp tục xâm nhập vào VN, Cục Bảo vệ Môi trường sẽ làm gì?

- Dự kiến trong tháng 9-2003, một hội thảo đầu tiên của VN về sự xâm lấn của các loài sinh vật lạ sẽ được cục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. Mục tiêu của hội thảo là xây dựng một đội ngũ các nhà khoa học, nhà quản lý về sinh vật lạ ở VN, bàn về các vấn đề liên quan đến phòng ngừa, quản lý sinh vật lạ xâm lấn, đồng thời xây dựng quy chế quản lý các loài sinh vật lạ.

Tô Hà thực hiện

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo