UBND tỉnh Quảng Bình vừa có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị vận động người dân sử dụng hải sản khai thác tại các vùng biển an toàn. Thế nhưng, trước thông tin “cá chết xếp lớp dưới biển”, người dân vẫn rất e dè.
Cá đánh bắt xa bờ: An toàn
Thống kê ban đầu cho thấy đến nay, đã có khoảng 400 tấn hải sản đánh bắt xa bờ được thu mua tại Quảng Bình. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đây vẫn là con số ít ỏi so với lượng tiêu thụ trước khi xảy ra tình trạng cá chết.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Sở Công Thương cử cán bộ đến các cảng cá như cảng Gianh (huyện Bố Trạch), cảng Nhật Lệ (TP Đồng Hới) để xác định hải sản được đánh bắt ở các ngư trường xa và lập các điểm bán cá an toàn.
Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang đã đến kiểm tra, ghi nhận tình hình thu mua cá đánh bắt xa bờ tại cảng cá sông Gianh, đồng thời tới thăm ngư dân các xã Hải Trạch (huyện Bố Trạch), Quang Phú (TP Đồng Hới). Tại đây, toàn bộ cá từ các tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân đã được lực lượng chức năng địa phương lấy mẫu kiểm định, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Khi đã có giấy chứng nhận này, hải sản của ngư dân sẽ được các thương lái, doanh nghiệp thu mua ngay tại cảng. Ông Hoàng Đăng Quang bày tỏ mong muốn ngư dân tiếp tục vững tin vươn khơi bám biển, góp phần nâng cao sản lượng đánh bắt và chung tay giữ gìn chủ quyền biển đảo của quê hương.
“Chính quyền các cấp sẽ luôn đồng hành cùng với ngư dân. Bà con yên tâm tiếp tục khai thác hải sản tại các vùng biển an toàn, tìm các giải pháp mới để ổn định tình hình đời sống trước mắt và lâu dài” - ông Quang động viên.
Phải phân tích “cẩn trọng, kỹ lưỡng”
Trong một diễn biến khác, ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Quảng Bình, cho biết đoàn công tác của Trung tâm Điều tra TN-MT biển (MGMC) thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) đã có chuyến khảo sát, tìm kiếm ở bãi Rạn (xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch) mà ngư dân phản ánh có “cá chết xếp lớp dưới biển”.
“Các mẫu đoàn đã lấy dưới đáy biển như bùn đất, xác thủy hải sản, san hô và các trầm tích khác phải được cẩn trọng phân tích chuyên sâu. Ngoài ra, các mẫu nước biển ở tầng đáy, tầng mặt cũng được phân tích kỹ lưỡng trước khi đưa ra kết luận về môi sinh biển” - ông Hào nói.
Theo ông Lê Minh Ngân, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình, ngay sau khi đoàn công tác từ biển trở về, sở và cán bộ chuyên ngành của Tổng cục Môi trường đã phân tích kỹ hình ảnh quay dưới đáy biển ở vùng biển xã Nhân Trạch. Trước mắt, chưa thể đưa ra nhận định gì vì khi đã có kết luận thì phải đưa ra các khuyến cáo phù hợp. Nếu đưa ra nhận định không đúng sẽ kèm theo các khuyến cáo không phù hợp, làm người dân thêm lo lắng.
Bình luận (0)