Ông kể, thi ĐH Kinh tế, nhưng không đủ điểm nên chuyển xuống Cao đẳng Sư phạm. Thời đó, những năm 1976-1977 rất khó khăn nên ông không học ngành sư phạm mà bỏ đi làm kiếm sống. Một lần, khi ngồi buồn uống ly rượu ở lề đường, ông gặp một người, mà sau này kính trọng gọi là thày. Ông ấy suốt ngày nhậu.
"Nhậu quen rồi, ông ấy nói ra nghề mỹ phẩm và chỉ cho tôi cách làm. Tôi làm liền vì thấy những điều ông chỉ dạy quá hay. Tôi thành lập tổ hợp, kéo người nhà và các thày cô cùng một số sinh viên mà tôi dạy võ thuật (chủ yếu là bên kiến trúc với bên nha dược) tham gia", Nguyễn Văn Mười Hai kể.
Việc mở rộng bang giao với nước ngoài bắt đầu, ông có điều kiện tiếp cận với một số giáo sư bên Pháp và các nước XHCN trong ngành mỹ phẩm lúc đó để học bài bản hơn. Khi đã có được cái mũi để ngửi được mùi hương thì ông bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất.
Nếu chỉ đơn thuần là chuyện kinh doanh và phát triển thương hiệu thì từ những năm ấy, ở tuổi chưa đến "tam thập", nhưng Nguyễn Văn Mười Hai đã làm được nhiều thứ mà ngày nay đã trở thành phổ biến.
Ông mua "giờ vàng" và "nhạc hóa" sản phẩm nước hoa của mình để cho ca sĩ chuyên nghiệp rót vào tai người tiêu dùng mỗi khi họ ngồi trước màn ảnh tivi. Chẳng hạn bài hát: "Này anh ơi sao mà anh không biết. Nước hoa em dùng cơ sở Thanh Hương. Mùi hương thơm ơi mà sao thơm thế. Ôi Tiffani dành cho mọi người"...
Ông cũng xây dựng mạng lưới giao dịch gần 900 điểm trên khắp toàn quốc và thu nạp những võ sĩ, võ sư giỏi nghề về đào tạo thành lực lượng vệ sĩ chuyên nghiệp bảo vệ tiền, vàng và... bảo vệ ông. Nhiều người còn nhớ tại "tổng hành dinh" của Thanh Hương ở đường Phạm Ngũ Lão, mỗi khi đến gửi tiền hay rút lãi đều thấy từng nhóm vệ sĩ hiện diện ở mọi lúc mọi nơi.
Còn ở ngoài đường, những năm đó TP HCM không có nhiều xe hơi biển số trắng, nhưng mỗi khi chiếc Mercedes bóng lộn của ông lăn đến đâu mọi người đều thấy các vệ sĩ phóng Kawasaki 125cc lượn qua lượn lại dẫn đường và "khóa đuôi".
Đến đầu năm 1990, khi Thanh Hương lâm vào khó khăn, ông còn thiết lập cả một "phòng pháp lý" với 5 luật sư trực tiếp tham mưu giải quyết sự vụ tại cơ sở và tư vấn chiến lược từ xa...
"Lúc đó không cạnh tranh lại hàng nhập lậu của Thái Lan, Trung Quốc, vì họ vừa có bao bì đẹp vừa không phải đóng thuế, tôi đã quyết định ngưng làm các mặt hàng bán không chạy, đẩy mạnh các mặt hàng tiêu dùng như kem giặt, xà phòng bánh và dầu gội đầu.
Tôi dự kiến mở rộng thị trường sang Lào, Campuchia, Liên Xô và xác định nếu đến cuối năm 1990 vẫn bị lỗ sẽ thông báo chính thức về tình hình phá sản của Thanh Hương. Rồi bao nhiêu tiền bạc tài sản còn lại tôi sẽ mang ra trả hết cho dân và tự kết liễu đời mình", ông nhớ lại.
Nhưng sự sụp đổ của Thanh Hương diễn ra nhanh hơn dự tính. Tháng 3-1990, cơ quan chức năng phát hiện Thanh Hương lỗ 37 tỉ đồng, vụ án đã nổ ra.
"Tôi có làm lại được không?"
Không phải là nói suông mà ngay từ những ngày đầu mới ra tù, Nguyễn Văn Mười Hai đã tìm lại sản phẩm của mình còn lưu giữ ở một số gia đình bà con để "ôn lại cái mũi". Ông cũng đã dành nhiều thời gian để la cà vào các trung tâm mỹ phẩm lớn của thành phố và "nhận diện thị trường" như một thương gia đang làm ăn thiệt.
Đến thăm luật sư Trừng ở trụ sở Đoàn luật sư TPHCM, ông rất quan tâm đến các vấn đề thủ tục pháp lý về thành lập doanh nghiệp mà luật sư Trừng phân tích, nhất là khi luật sư Trừng bảo ông cứ lấy lại tên Thanh Hương "vì thương hiệu đó rất hay".
Luật sư Trừng nói ngày nay luật pháp đã rất rõ ràng, việc gây dựng lại thương hiệu nước hoa Thanh Hương không phải là việc ngoài tầm tay vì cả hai vợ chồng Nguyễn Văn Mười Hai vẫn còn trẻ, còn đam mê mỹ phẩm và nhất là đồng vợ đồng chồng để khắc phục khó khăn trong cuộc sống. "Chỉ cần tụi bay quyết tâm, nỗ lực là có thể thành công", luật sư Trừng động viên.
Nguyễn Văn Mười Hai tâm sự: "Nói thật với anh, không thể tìm đâu ra vốn liếng để làm", rồi tự hỏi: "Liệu tôi có thể làm lại được không?".
Bình luận (0)