Tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội Nhà báo Việt Nam sáng 22-4 diễn ra ở TP HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã có nhiều gửi gắm đối với những người làm báo.
Trăn trở
Theo ông Thưởng, trong bối cảnh đời sống truyền thông và xã hội hiện nay sinh động, phong phú, đa dạng, thậm chí phức tạp và có những mưu toan lợi dụng sự tự do dân chủ, tổ chức các hoạt động đi ngược lại giá trị, mục tiêu của nền báo chí cách mạng chân chính. Việc này có nguyên nhân đến từ sự non kém về nghề nghiệp của người cầm bút, từ sự xa rời của những người cầm bút với thực tiễn sinh động, đời sống lao động sản xuất của các tầng lớp nhân dân. “Có nhiều nhà báo dường như không chỉ đứng ngoài cuộc sống mà đôi khi còn tự cho phép mình đứng trên cuộc sống để phán xét, phê bình trong khi không dành thời gian tự xem xét lại bản thân để nâng cao trình độ, đạo đức, lối sống” - ông Thưởng trăn trở.
Ông Thưởng cho rằng Nghị quyết Trung ương 4 nói về bộ phận không nhỏ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Điều này không loại trừ những người cầm bút. “Tôi nghĩ rằng nếu hội nhà báo, các chi hội thẳng thắn nhìn nhận, trao đổi, tìm kiếm sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức của người cầm bút trong từng chuyên đề, từng bài viết thì sẽ tìm được những điều rất cụ thể, chấn chỉnh và phòng chống được sự suy thoái” - ông Thưởng nói.
Phân tích một số hạn chế trong hoạt động hội, ông Thưởng nhận xét có khởi nguồn từ nguyên nhân chủ quan, như vai trò phối hợp của hội trong định hướng nội dung thông tin trên báo chí chưa được phát huy. Việc lên tiếng bảo vệ những nhà báo bị đe dọa, hành hung cũng như phê bình các nhà báo lợi dụng chức trách để làm điều tiêu cực còn chưa kịp thời, trong một số trường hợp đã gây hậu quả đáng tiếc. “Chúng ta đang sống trong một xã hội mở, dựa trên sự phát triển của khoa học công nghệ. Đây là môi trường tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức. Sự phát triển của báo chí trong thời gian qua đã nhanh, mạnh hơn và đi trước hơn công tác hội” - ông Thưởng nói và đề nghị hội phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tương xứng với sự phát triển của báo chí hiện nay.
Đặt hàng
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng bày tỏ: “Giờ đây, báo chí phải vừa là công cụ cung cấp thông tin, tuyên truyền có định hướng rõ ràng, vừa là diễn đàn xã hội để người dân tương tác với các cấp chính quyền, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng cũng như là nơi thể hiện quyền làm chủ của mình”.
Đề cập đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP giai đoạn 2016-2020 có không ít thách thức, ông Thăng cho biết TP sẽ tập trung mọi nguồn lực, tìm kiếm sự chung sức, chung lòng của mọi tầng lớp nhân dân để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng. Để làm được điều này, bên cạnh khích lệ, động viên biểu dương những tập thể, cá nhân thì cũng cần mạnh mẽ chỉ ra những yếu kém ở bất cứ cấp nào và bất cứ vấn đề gì, bằng thái độ thẳng thắn, xây dựng và không né tránh. Theo ông, chỉ cần ra đường, sống với người dân một cách chân thực là có thể nhận ra TP luôn còn nhiều việc cấp bách phải làm. Nếu mọi người dân, mọi thành phần xã hội không cùng bắt tay vào một cách thực tâm và có trách nhiệm thì mọi kế hoạch, chương trình lớn nhỏ sẽ chỉ mãi thành công trên giấy. “Đây chính là lúc cần có sự trợ giúp của báo chí bởi sứ mệnh và trách nhiệm cung cấp thông tin, tạo ra sức mạnh đồng thuận xã hội trước hết thuộc về các nhà báo” - ông Thăng nhấn mạnh.
Từ thực tế đó, ông Thăng mong muốn trong thời gian tới, những người làm báo cả nước và các nhà báo đang sinh sống tại TP HCM sẽ giúp lãnh đạo TP tích cực và hiệu quả hơn nữa trong nắm bắt một cách nhanh chóng, chính xác nhất mọi thông tin về các mặt đời sống, sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, trật tự an toàn xã hội… Về phía lãnh đạo TP, ông Thăng cho biết sẽ phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, tạo điều kiện để các phóng viên báo chí thực hiện nhiệm vụ của mình một cách thuận lợi và an toàn nhất. “Đó là cách chúng ta cùng nhau quyết tâm thay đổi cách nghĩ, cách hành động, trong đó nói phải đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, đã nói là làm, làm được thì mới nói, mới hứa. Tôi chân thành nghĩ rằng bất cứ sai sót nào cũng sẽ được nhân dân tha thứ nếu những người chịu trách nhiệm về nó trung thực, cầu thị, chân thành và minh bạch. Tôi mong nhận được sự chia sẻ sâu sắc của các nhà báo về quan điểm này” - ông Thăng nói.
Có đạo đức mới tránh được sa đà!
“Khi quyết định đưa hay không đưa một bài báo, một chương trình truyền hình thì ngoài lượt xem còn là gì khác nữa?” - nhà báo Tạ Bích Loan, Đài Truyền hình Việt Nam, chia sẻ. Theo nhà báo Tạ Bích Loan, Luật Báo chí sửa đổi đã chỉ ra một cách rõ ràng về cách thức tác nghiệp báo chí nhưng có những điều mà luật không quy định mà chỉ phụ thuộc vào cảm nhận, lương tâm, giá trị sống của chính người cầm bút, cầm camera mà thôi. Thực tế tác nghiệp đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức cho người làm báo. Theo đó, nhà báo Tạ Bích Loan mong muốn phải có những quy định cụ thể, chi tiết về cách tác nghiệp để các nhà báo, nhất là nhà báo trẻ mới vào nghề, biết được nên và không nên làm gì.
Bình luận (0)