Đại hội khóa IX của Hội Nhà báo VN với ngày họp chính thức hôm nay (12-8) tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, thảo luận về báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nhà báo VN khóa VIII; dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nhà báo VN khóa VIII; báo cáo công tác kiểm tra của hội... và lấy ý kiến về xây dựng dự thảo Luật Báo chí sửa đổi cũng như vấn đề cản trở tác nghiệp của các nhà báo. Đại hội cũng bầu ban chấp hành mới.
Nhà báo tác nghiệp cần được xem là đang thi hành công vụ. Ảnh: QUANG LIÊM
Bị động vì quy chế phát ngôn
Nhìn nhận về mặt hạn chế của quy chế phát ngôn, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề Báo, đặt tình huống: Nếu bận, người phát ngôn sẽ không trả lời báo chí. Nếu ủy quyền phát ngôn cho người khác thì thông tin khó đầy đủ vì bản thân người được ủy quyền cũng bị động và nhiều khi không dám phát ngôn.
Đồng tình với quan điểm này, nhà báo Phạm Huy Hoàn, Tổng Biên tập Báo điện tử Dân Trí, đánh giá nhiều khi, người phát ngôn cũng... phải chờ ý kiến của lãnh đạo chứ chưa thể phát ngôn ngay.
Trong nhiều trường hợp, phóng viên không thể tìm được câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, cũng phải tính đến uy tín của cơ quan báo chí, uy tín cá nhân của phóng viên đó với cơ quan phát ngôn.
Bên cạnh đó, theo nhà báo Đoàn Xuân Trường, Phó Tổng Biên tập Báo Công Lý, hiện nay, một số cơ quan Nhà nước vẫn chưa có người phát ngôn hoặc có nhưng năng lực hạn chế, mang tính hình thức, nhất là các cơ quan pháp luật.
Vì vậy, theo ông Trường, cần phải đào tạo một cách bài bản đội ngũ người phát ngôn cho các cơ quan để những người này đủ kỹ năng nắm bắt, chia sẻ thông tin và phát ngôn chính thức khi xảy ra các sự kiện.
Cũng theo nhà báo Đoàn Xuân Trường, báo chí cần đến các cơ quan chức năng khi xảy ra các vấn đề nóng, thời sự nhưng các cơ quan lại thường tìm cách né tránh phát ngôn về các vấn đề này.
Có nhiều vụ việc lớn, vấn đề nhạy cảm, đôi khi người phát ngôn không nắm rõ hoặc không dám phát ngôn khiến báo chí rất khó tiếp cận được thông tin.
Theo ông Trường, cái khó hiện nay là không có cơ chế ràng buộc về mặt pháp lý đối với người phát ngôn nên họ không phải chịu trách nhiệm. Hội Nhà báo cần đề xuất và giám sát việc này, cơ quan nào không thi hành phải có ý kiến.
Hội phải có tiếng nói mạnh mẽ
Một trong những vấn đề “nóng” trong làng báo hiện nay là việc bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp. Đa số đại biểu cho rằng cần một khung pháp lý cho việc bảo vệ nhà báo.
Theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, câu chuyện đặt ra là nhà báo tác nghiệp có được coi là thi hành công vụ hay không? Theo ông, nhà báo cũng phải nghĩ rằng mình đang thi hành nhiệm vụ, đang đại diện cho một tờ báo để có thái độ và phương thức tác nghiệp đúng đắn.
Ai sẽ là người đứng ra bảo vệ khi nhà báo bị hành hung? Đó là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra. “Các nhà báo vẫn không có “lưới” bảo vệ mình khi tác nghiệp và vẫn chưa có cảm giác được bảo vệ trong những trường hợp cần thiết”, đó là ý kiến chung của nhiều đại biểu.
Với các vụ việc xảy ra vừa qua, nhiều đại biểu khẳng định Hội Nhà báo VN là nơi can thiệp, bảo vệ các nhà báo của mình.
Đến tháng 6-2010, Hội Nhà báo Việt Nam có 17.685 hội viên. Trong ảnh: Các nhà báo tác nghiệp tại lễ kỷ niệm Ngày thế giới không lao động trẻ em lần thứ 11 năm 2010. Ảnh: TTXVN
Nhà báo Phan Ngọc Thường Đoan (Báo Văn Nghệ TPHCM) cho rằng Hội Nhà báo cần làm tốt hơn nữa vai trò bảo vệ hội viên: “Hội Nhà báo phải đặt mình ở vị trí là đại diện cho các nhà báo thì mới có thể làm tốt vai trò”.
Nhà báo Phạm Huy Hoàn kiến nghị: Hội Nhà báo cần tiếp tục nâng cao vị thế của mình. Khi tiếng nói của hội có “trọng lượng” hơn thì việc giải quyết các vụ việc sẽ dễ hơn.
Bình luận (0)