Ngày 10-9, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) trước khi trình QH vào kỳ họp tới.
Của công mà như của mình
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH - ông Lê Như Tiến - nêu: “Nhà công vụ là tài sản quốc gia nhưng nhiều cán bộ hết nhiệm kỳ về quê vẫn không chịu trả chìa khóa, biến nhà công vụ thành nhà tư”. Ông Tiến đề nghị tại kỳ họp QH tháng 10 tới đây, Chính phủ cần báo cáo QH tình trạng quản lý, sử dụng nhà công vụ để QH nắm rõ và quyết định.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng, ông Trần Ngọc Vinh, cho rằng vấn đề nhà công vụ phân bổ không đúng đối tượng, tiêu chuẩn. Vì vậy, cần thu hẹp diện được ở nhà công vụ; chỉ nên áp dụng một số đối tượng đặc biệt, còn các đối tượng khác thì áp dụng mua nhà thương mại.
Mặt khác, dự án Luật Xây dựng cần quy định việc thông báo cho người ở nhà công vụ trước 6 tháng để họ trả lại nhà cho người mới và nên có chế tài, xử lý nếu không chấp hành. Quyết liệt hơn, ĐB Vinh đề xuất luật hoặc nghị định hướng dẫn thi hành làm rõ giá thuê nhà công vụ phải công bằng với loại hình khác và cần quy định đối tượng được thuê giá ưu đãi.
Đi thẳng vào tình trạng lạ lùng đang diễn ra nhiều năm qua, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) dẫn chứng bình quân nhà ở xã hội mà công nhân phải thuê ở nhiều KCN giá 24.000 đồng/m2, còn cán bộ ở nhà công vụ chỉ phải trả 6.000 đồng/m2 mà chất lượng khác hẳn, từ nhà đến thiết bị.
“Chỉ khuyến khích nhà công vụ cho cán bộ luân chuyển đến vùng sâu, vùng xa còn ở đô thị nên giao doanh nghiệp làm nhà cho thuê. Cán bộ ở thành phố điều kiện sống lý tưởng lại được bao cấp, còn cán bộ ở vùng sâu quá thiếu thốn” - ông Hà nói.
Nể nang nên ngại đòi
Nhìn về góc độ trách nhiệm quản lý nhà công vụ, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) băn khoăn: “Ông nào quản lý chìa khóa nhà công vụ, chưa thấy làm rõ. Luật cần quy trách nhiệm rõ ràng, quy định rõ sau khi hết nhiệm vụ, người ở nhà công vụ phải bàn giao ngay cho cơ quan quản lý nhà ở công vụ”.
Tán đồng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị thống nhất đầu mối quản lý để kiểm soát nhà công vụ hiệu quả. “Ở trung ương thì giao cho Bộ Xây dựng, ở địa phương thì sở xây dựng chịu trách nhiệm. Hiện nay, từ Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng QH cũng quản nhà công vụ, rồi đến bộ nào cũng có nhà công vụ để quản. Nhiều nơi quản quá, đến khi cán bộ nghỉ hưu, dễ rơi vào cảnh nể nang ngại mở lời đòi lại nhà” - Chủ tịch QH góp ý.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng luật không rõ ràng thì rất khó đòi được nhà. “Nói cưỡng chế thì lấy ví dụ liệu mình ông chủ nhiệm Văn phòng QH có đi cưỡng chế nhà được không? Trừ những vị trí lãnh đạo cần bảo vệ, tôi đề nghị quy hoạch các khu nhà công vụ”. Chủ tịch QH dẫn ví dụ trung ương cần 500 nhà công vụ thì sẽ xây dựng một khu để phục vụ người luân chuyển. Đối với những nơi luân chuyển cán bộ không tập trung rất khó làm nhà công vụ như từ huyện về xã thì luật nên quy định nơi tiếp nhận cán bộ phải có trách nhiệm bố trí nơi ở.
Công đoàn được quyền kiện hành vi trốn đóng BHXH
Cùng ngày, hội nghị cho ý kiến về Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Về điều chỉnh mức hưởng lương hưu hằng tháng, Ủy ban Thường vụ QH tán thành phương án điều chỉnh tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng theo lộ trình. Từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó, cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Đáng chú ý, dự luật đề xuất giao quyền khởi kiện cho tổ chức Công đoàn, BHXH đối với hành vi trốn đóng, nợ đọng, chiếm dụng BHXH của doanh nghiệp vì tranh chấp BHXH là tranh chấp dân sự và các tổ chức này đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động tham gia BHXH.
Bình luận (0)