Tuy nhiên, khi phân bổ về địa phương thì gần một nửa bị chi sai mục đích, số còn lại chi dàn trải, hiệu quả không cao.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho rằng điều làm nản lòng các nhà khoa học nhất là cơ chế chi tiền. Chỉ khi nào tập hợp được nội dung, nhiệm vụ đề tài thì mới được giao tiền và thời gian có khi kéo dài tới nửa năm. Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Thị An “lỗi tại ai, vĩ mô hay vi mô?”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói: “lỗi tư duy.
Chúng ta đã sống trong thời buổi kinh tế thị trường nhưng tư duy quản lý thời bao cấp. Lỗi thứ hai là lỗi cơ chế chính sách chưa khuyến khích giới khoa học và doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN. Thứ ba là một phần lỗi thuộc về các nhà khoa học vẫn có tâm lý trông chờ Nhà nước” - Bộ trưởng Nguyễn Quân thẳng thắn.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy bên cạnh những thành tựu, đóng góp của ngành KH-CN vào sự phát triển đất nước, vẫn còn không ít những bất cập. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của chúng ta có tính ứng dụng thực tiễn thấp và giá trị thương mại cũng không cao. Sự chặt chẽ của ngành tài chính, như Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh nói “không thể cấp tiền cho ý tưởng mà phải có đề án, có nhiệm vụ rõ ràng” một phần cũng xuất phát từ thực tiễn đã có những đề tài vẽ vời mà không hiệu quả.
Do đó, cần có sự thay đổi tích cực từ cả hai phía: cơ quan quản lý Nhà nước và tự thân ngành KH-CN. Về phía cơ quan quản lý, đó là chế độ đãi ngộ, ứng xử với các nhà khoa học, tạo điều kiện cho các nhà khoa học yên tâm cống hiến. Những người làm khoa học chân chính thường đầy lòng tự trọng, họ cần sự rạch ròi trong các chính sách, cơ chế.
Mặt khác, với những người mang danh là nhà khoa học nhưng không có công trình giá trị cho quốc kế dân sinh mà chỉ giỏi vẽ vời kiếm chác thì cơ quan quản lý cũng nên dứt khoát từ chối để không làm xấu hình ảnh nhà khoa học và làm trì trệ nền KH-CN nước nhà. Bộ trưởng Nguyễn Quân đề xuất có cơ chế lương cao cho những nhà khoa học hàng đầu và các nhà khoa học trẻ tài năng; nhà khoa học phải sống bằng kết quả nghiên cứu, không phải như hiện nay là nhiều nhà khoa học sống bằng đề tài.
Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo cho phát triển KH-CN, nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng xác định rõ: Phát triển KH-CN là nhiệm vụ then chốt, là quốc sách hàng đầu... Để phát triển KH-CN, phát triển đất nước, cần thay đổi tư duy, cơ chế để gạt bỏ các lực cản. Một xã hội phát triển, tiến bộ là xã hội trọng dụng hiền tài, không để những tài năng đích thực bị mai một vì lề thói của những tư duy cũ.
Bình luận (0)