Dù đã có Luật Viễn thông và nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông nhưng thư rác vẫn mặc sức hoành hành, tra tấn người dùng ngày càng dữ dội hơn.
Việc 6 công ty kinh doanh dịch vụ nội dung số chỉ trong vòng 1 năm đã chiếm đoạt khoảng 23 tỉ đồng của hàng triệu thuê bao di động cho thấy công tác quản lý dịch vụ này - đặc biệt trong việc phòng chống thư rác - còn quá nhiều lỗ hổng. Đó cũng chỉ mới là những công ty bị phát hiện, vẫn còn đâu đó những công ty tiếp tục lừa đảo khách hàng mà hằng ngày nó hiện lên rõ ràng trên điện thoại di động của bạn.
Vì sao người ta dễ dàng lừa đảo đến tiền tỉ như vậy? Về mặt người dùng, có lẽ họ đã quá dễ dãi ứng phó với những tin nhắn rác, đơn giản trong việc bảo vệ chính mình. Còn các công ty kinh doanh dịch vụ nội dung số cũng có rất nhiều chiêu trò để dẫn dụ, móc túi người dùng.
Vậy còn trách nhiệm của các nhà mạng? Nên nhớ rằng các công ty kinh doanh dịch vụ nội dung số đều phải ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ với các nhà mạng và quyền lợi của nhà mạng cũng rất lớn, tỉ lệ ăn chia số tiền thu được từ tin nhắn rác từ 45%-55%. Tuy nhiên, dù được hưởng lợi lớn nhưng các nhà mạng lại hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm pháp lý vì họ biết “né” trách nhiệm bằng những nội dung ràng buộc trong hợp đồng, để có thể trút hết trách nhiệm cho đơn vị cung cấp dịch vụ. Như vậy, các nhà mạng dễ dàng phủi trách nhiệm, đẩy hết những thiệt thòi cho người dùng.
Về mặt hình sự, theo luật, có thể các nhà mạng vô can (và đây cũng là những lỗ hổng của pháp luật viễn thông vốn còn nhiều khoảng trống) nhưng số tiền các nhà mạng thu được từ những kẻ lừa đảo đâu phải là “tiền sạch”? Hiểu đơn giản, cá nhân nào tiêu thụ đồ gian cũng đã phải chịu trách nhiệm hình sự rồi. Vậy thì số tiền mà các nhà mạng thu được từ các công ty tổ chức lừa đảo khách hàng ít nhất cũng phải trả lại cho khách hàng bị lừa đảo.
Các nhà mạng có biết những công ty thuê đầu số để cung cấp nội dung dịch vụ lừa đảo khách hàng? Các chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng các nhà mạng thừa biết điều đó bởi công đoạn quản lý ở khâu này rất đơn giản, chỉ cần vài thao tác trên máy tính là biết được bản chất của nội dung dịch vụ. Tuy nhiên, các nhà mạng gần như không làm gì cả, để các công ty lừa đảo hàng triệu khách hàng kéo dài cả năm trời. Đó là chưa kể các công ty lừa đảo này sử dụng bất hợp pháp hàng ngàn sim rác một cách quá dễ dàng, chẳng lẽ các nhà mạng lại không thấy dấu hiệu lừa đảo ở đây? Do vậy, cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm của các nhà mạng.
Lĩnh vực công nghệ đang phát triển rất nóng cả về khoa học lẫn các quan hệ xã hội khác. Ngay cả đồng tiền ảo Bitcoin cũng đã và đang được các nhà lập pháp ở nhiều quốc gia nghiên cứu rất kỹ, cả về bản chất lẫn cơ sở pháp lý của nó. Do vậy, luật về viễn thông cần phải được các nhà làm luật cập nhật để bịt những lỗ hổng, ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng trục lợi bất chính.
Bình luận (0)