Năm 2010, nhà máy chế biến vỏ tôm của Công ty TNHH Anh Tuấn (trước đây là Công ty TNHH Gia Khang) đặt ngay đầu kênh đi vào hoạt động, mỗi ngày xử lý hàng chục tấn vỏ đầu tôm bằng hóa chất rồi xả thẳng nước thải ra kênh, gây thiệt hại lớn cho hơn 200 hộ nông dân.
Kênh 9, nơi hàng trăm hộ lấy nước để nuôi thủy sản, đang bị ô nhiễm nghiêm trọng
Ông Lại Văn Tích, tổ trưởng Tổ Hợp tác nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng rừng Tấn Phát (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình), cho biết: Trước đây, mỗi con nước, người dân thu hoạch tôm tự nhiên khoảng 5 kg/ha nhưng từ khi nhà máy này đi vào hoạt động thì mỗi con nước thu hoạch chưa tới 1 kg/ha. Còn tôm công nghiệp thả nuôi khoảng 20 ngày là chết sạch. "Ngay cả con sò huyết có sức đề kháng tốt còn không lớn nổi huống chi con tôm. Hơn 10 năm nay, năm nào tôi cũng thả nuôi 5-6 tấn sò dưới kênh 9 và chỉ sau 8 tháng là thu hoạch nhưng lần này đã gần 2 năm mà vẫn chưa thu hoạch được con nào" - ông Vũ Xuân Huy, ngụ ấp 15, xã Vĩnh Hậu A, bức xúc nói.
Theo đánh giá của người dân trực tiếp lấy nước từ dòng kênh 9 để nuôi tôm, trong năm 2010, tôm nuôi bị thiệt hại là 50%; năm 2011 là 70%; năm 2012 là 90% và hiện nay tôm chết hàng loạt, phải tạm ngưng sản xuất.
Khi chúng tôi vừa đến khu vực đặt nhà máy của Công ty TNHH Anh Tuấn, không khí như đặc lại bởi khói và mùi nồng nặc của đầu vỏ tôm ủ. Một công nhân đang làm việc tại đây cho biết quy trình sơ chế vỏ đầu tôm là dùng hóa chất bỏ trong các bồn chứa, sau đó cho nguyên liệu vào. Cứ mỗi đơn vị vỏ đầu tôm cần ít nhất 2 đơn vị nước hóa chất, phải qua 3 lần khử mới đạt tiêu chuẩn sản phẩm sơ chế. Vỏ đầu tôm sơ chế xong được vớt ra, còn nước trong các bồn chứa xả thẳng ra kênh.
Hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường của nhà máy này đã ít nhất 6 lần bị chính quyền địa phương lập biên bản xử phạt hành chính nhưng nhà máy vẫn tiếp tục gây ô nhiễm. Ông Châu Văn Ngà, Giám đốc Công ty TNHH Anh Tuấn, thừa nhận hệ thống xử lý nước thải của nhà máy không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, ông Ngà đổ lỗi do trước đó, Công ty TNHH Gia Khang đã không hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải và hứa sẽ khắc phục.
Ông Phạm Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Bạc Liêu, cho biết "sẽ đề xuất UBND tỉnh sớm xử lý theo pháp luật đối với hành vi vi phạm của công ty này chứ không chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính" .
Bình luận (0)