Theo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2010 đến nay, đã có 24 công trình nhà vệ sinh thuộc chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai tại Quảng Ngãi (không phải 13 công trình như Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết trước đó) với tổng số vốn 12,2 tỉ đồng. Ngoài ra, theo chương trình này thì có tổng cộng 214 nhà vệ sinh được xây dựng.
Thay vì có bệ tiểu riêng, nhà vệ sinh Trường Tiểu học Đức Thắng có thiết kế dùng một máng chung
Giá cao là do vốn đối ứng
Trong 24 công trình trên, kinh phí xây dựng cao nhất là 749 triệu đồng, thấp nhất là 300 triệu đồng. Theo ông Ngô Hữu Đằng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, sở dĩ những nhà vệ sinh trên có giá cao là do cộng thêm 25% vốn đối ứng.
"Vốn xây dựng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ về cho UBND tỉnh Quảng Ngãi, sau đó tỉnh phân bổ về cho Sở GD-ĐT. Theo quy định của chương trình, nơi thụ hưởng phải góp 25% vốn đối ứng, do đó giá trị công trình mới cao như vậy" - ông Đằng lý giải.
Trước đó, sau khi kiểm tra thực tế, ông Đỗ Văn Phu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, nói ngắn gọn: "Các nhà vệ sinh trên là bình thường vì tuân thủ các thiết kế kỹ thuật cao của nước ngoài viện trợ".
Ngày 10-6, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đằng cho biết các công trình nhà vệ sinh được xây dựng theo thiết kế của Bộ GD-ĐT. Trường trên 200 học sinh sẽ xây nhà vệ sinh 56 m2, dưới 200 học sinh là 29 m2. Tuy nhiên, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy rất nhiều nhà vệ sinh khác xa với thiết kế.
Nhà vệ sinh này ở trường Đức Thắng được xây với chi phí 560 triệu đồng Ảnh: Tử Trực
Nhỏ, thiếu và mau hư hỏng
Cô Đỗ Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hành Thịnh (huyện Nghĩa Hành), cho biết trường có 531 học sinh nhưng nhà vệ sinh được Sở GD-ĐT xây chỉ có 29 m2, kinh phí 593 triệu đồng. Bên nam có 4 bệ tiểu, 1 nhà cầu, 1 bồn rửa tay; bên nữ 3 bệ tiểu, 1 nhà cầu, 1 bồn rửa tay. "Việc xây, thiết kế hoàn toàn do sở làm, trường chỉ nhận và đưa vào sử dụng. Thiết kế như vậy so với giá 593 triệu đồng thì đúng là quá cao" - cô Lan nói.
Đầu tư 560 triệu đồng nhưng nhà vệ sinh ở Trường Tiểu học Đức Thắng (huyện Mộ Đức) chưa thể sử dụng vì không có hệ thống cấp nước. Theo thiết kế chung, bên trong nhà vệ sinh nam phải có 4 bệ tiểu, 1 nhà cầu, 1 bồn rửa tay; bên nữ phải có 3 bệ tiểu, 1 bồn rửa tay, 1 nhà cầu nhưng thực chất nhà vệ sinh nam chỉ có máng xây dài khoảng 3 m, không có vách ngăn; bên nữ cũng không có bệ tiểu, không vách ngăn.
Nhà vệ sinh Trường Tiểu học Năng An (huyện Mộ Đức) được đầu tư 721 triệu đồng nhưng dù chỉ mới đưa vào sử dụng, các vòi nước đã hỏng, học sinh phải múc nước bằng gàu. Theo hiệu trưởng Nguyễn Văn Khanh, trường có trên 300 học sinh nhưng nhà vệ sinh mới xây có diện tích thực chỉ khoảng 40 m2.
Trường Tiểu học Long Sơn (huyện Sơn Hà) dù có 375 học sinh nhưng nhà vệ sinh thuộc chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường chỉ có 30 m2, vốn đầu tư 598 triệu đồng.
Đặc biệt, hiện ở trường này có đến 3 nhà vệ sinh, 1 cái cũ và 2 cái mới. Trong đó có 1 nhà vệ sinh do chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) đầu tư. "Năm 2010, khi khảo sát xây dựng nhà vệ sinh thuộc chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường, chúng tôi không biết có chuyện 1 nhà vệ sinh thuộc dự án SEQAP cũng đang xây dựng, nhà trường cũng không báo lên. Năm 2012, khi triển khai thi công thì nhà vệ sinh SEQAP vừa hoàn thành. Đây là lỗi của trường" - ông Đằng giải thích.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Chí Tư, Hiệu phó Trường Tiểu học Long Sơn, khẳng định cả 2 nhà vệ sinh mới đều do Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư, nhà trường chỉ nhận theo hình thức "chìa khóa trao tay".
Yêu cầu báo chí đính chính (?!) Chiều 10-6, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi có văn bản gởi các báo đã đưa thông tin nhà vệ sinh Trường THCS Long Hiệp (huyện Minh Long) được xây dựng với giá gần 600 triệu đồng. Theo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, nhà vệ sinh trên có vốn đầu tư 236 triệu đồng chứ không phải gần 600 triệu đồng như báo chí phản ánh. Phần kinh phí còn lại là hệ thống cấp nước (95 triệu đồng), điện bơm nước (46,1 triệu đồng), chi phí tư vấn và chi phí khác (66,7 triệu đồng), giếng khoan (148,2 triệu đồng). "Sau khi báo chí đăng tin đã gây nhiều dư luận không tốt cho ngành giáo dục Quảng Ngãi, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi đề nghị quý báo có đính chính kịp thời đến bạn đọc" - công văn ghi. |
Bình luận (0)