Theo kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, các bờ sông, kênh rạch có thời gian hình thành từ hàng trăm năm trước và nhà trên kênh rạch đã có từ rất lâu. Do đó, dự thảo cho phép người dân được sửa chữa nhà trong hành lang kênh rạch là rất tiến bộ và sát với thực tế. Cụ thể, trong thời gian nhà nước chưa di dời, nhà ven kênh được phép tồn tại theo hiện trạng và được sửa chữa, cải tạo, gia cố theo nguyên trạng (quy mô, diện tích, kết cấu…) nếu không ảnh hưởng đến dòng chảy và giao thông thủy.
Kỹ sư Đồng Văn Khiêm phân tích mục đích của quy định là làm cho dòng sông thông thoáng, môi trường trong sạch nên cần phải bổ sung lòng sông vào quy định. Hiện nhiều nơi lấy dòng sông làm địa giới hành chính, trong khi dòng chảy của sông ổn định theo tự nhiên. Nếu các địa phương 2 bên bờ sông xây kè, nắn dòng chảy thì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ cũng như tính ổn định của dòng chảy.
Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP, mục đích lớn nhất của quy định là tạo hành lang pháp lý để giải quyết nhà ở trên hành lang kênh rạch. Về khái niệm mép bờ cao, ông Minh cho biết đây là khái niệm hoàn toàn mới do TP “đẻ” ra mà luật không có.
Theo đó, mép bờ cao là căn cứ để xác định ranh cắm mốc cũng như là mép kè dự kiến xây dựng. Để có được mép bờ cao này, Sở GTVT TP đã ký hợp đồng với Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam tư vấn, nghiên cứu mép bờ cao trên cơ sở đánh giá thủy lực, thủy văn của từng vị trí. “Khi có được mép bờ cao sẽ hình thành nên một con đường tương đối thẳng, ranh xây dựng đỉnh kè cũng được xác định. Mép bờ cao này sẽ thường xuyên được điều chỉnh do quá trình xói lở hai bên bờ” - ông Minh khẳng định.
Ông Minh cho biết TP có hơn 1.000 km sông, kênh, rạch nhưng chỉ khoảng 600 km có chức năng đường thủy nội địa, còn lại là chức năng thoát nước và nông nghiệp. Mỗi đoạn sông, kênh, rạch có chức năng khác nhau nên phải thêm quận, huyện vào để quản lý và quy trách nhiệm của từng đơn vị.
Ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để trình UBND TP.
Bình luận (0)