TỪ 14 giờ chiều 1-3, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội Vũ Văn Viện đã có cuộc đối thoại với các doanh nghiệp vận tải hành khách bị điều chuyển luồng tuyến từ bến xe Mỹ Định về bến xe Nước Ngầm.
Buổi đối thoại tại trụ sở Sở GTVT Hà Nội không còn một chỗ trống - Ảnh: Văn Duẩn
Trước khi buổi đối thoại này diễn ra, hôm qua 28-2, gần trăm chiếc xe khách của nhiều nhà xe đã kéo nhau lên Hà Nội để phản ánh những bất cập sau điều chuyển luồng tuyến xe khách tại các bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm.
Hội trường lớn của Sở GTVT ở số 1, phố Phùng Hưng (quận Hà Đông, TP Hà Nội) đã không còn một chỗ trống bởi sự tham dự đông đảo các nhà xe bị điều chuyển tuyến, đại diện các cơ quan có liên quan cùng nhiều phóng viên tham dự.
Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT, báo cáo tóm tắt về việc triển khai luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh của TP Hà Nội thời gian qua và kế hoạch thời gian tới.
Bắt đầu buổi đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị: “Thời gian rất ít, mà các doanh nghiệp vận tải thì rất đông. Đề nghị đại diện các doanh nghiệp vận tải đặt câu hỏi trong khoảng 30 phút. Sau đó các cơ quan của TP Hà Nội sẽ trả lời, sau đó thảo luận tiếp”.
Đứng lên phát biểu đầu tiên, ông Nguyễn Sơn La, đại diện doanh nghiệp vận tải Xuân La đến từ tỉnh Thái Bình, phát biểu: Khi nhận được lệnh điều chuyển, chúng tôi chấp hành tốt nhưng trong gần 60 ngày qua, chúng tôi rất khó khăn. Giá cao, giá thấp chúng tôi không ý kiến, nhưng rất vắng khách, kể cả dịp Lễ, Tết Nguyên đán vừa qua. Chúng tôi đang lỗ vốn rất nhiều và có nguy cơ phá sản.
Ông Nguyễn Sơn La: Giá cao, giá thấp chúng tôi không ý kiến, nhưng rất vắng khách, kể cả dịp Lễ, Tết Nguyên đán vừa qua. Chúng tôi đang lỗ vốn rất nhiều và có nguy cơ phá sản - Ảnh: Nguyễn Hưởng
Doanh nghiệp phát biểu tại cuộc đối thoại
“Muốn chuyển đổi chúng tôi, cần làm như bến xe Miền Đông ở TP HCM, tức là cần phải có lộ trình. Muốn nói gì thì nói, tôi khẳng định, nếu ở bến xe Mỹ Đình vẫn còn xe chạy cùng tuyến với chúng tôi, thì chắc chắn chúng tôi - những doanh nghiệp bị điều chuyển về bến xe Nước ngầm sẽ không có khách. Nếu tôi nói sai hay ai chứng minh được là chúng tôi về bến Nước Ngầm hoạt động có lãi, tôi xin bỏ tuyến không làm nghề nữa. Vì vậy mong các cơ quan ban ngành hãy cho chúng tôi một lộ trình để thực hiện”- vị đại diện này nói.
"Chúng tôi mong muốn được đối thoại trực tiếp với người ban hành chính sách điều chuyển luồng tuyến vận tải này"- ông La đề nghị.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết quyết định là của tập thể, doanh nghiệp cứ phản ánh và sẽ được xem xét, giải đáp.
"Ở đâu không có công bằng, ở đó có đấu tranh. Mọi chuyện phải được giải quyết hợp tình hợp lý. Mong Thứ trưởng xem xét"- ông La nói và nhận được tràng vỗ tay của các đại biểu tham dự tại hội trường.
Không khí buổi đối thoại khá "quyết liệt", căng thẳng
Ông Nguyễn Văn Thạc, Giám đốc Công ty vận tải Nam Trực (Nam Định), Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Nam Định, khẳng định việc điều chuyển xe khách từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm là chưa hợp lý, khiến doanh nghiệp bị điều chuyển bị thua lỗ nặng nề. “Có doanh nghiệp có số lượng 150 xe chạy, trong hai tháng bị điều chuyển vừa qua, tháng đầu lỗ 325 triệu đồng, tháng thứ hai lỗ 275 triệu đồng. Họ đang đối diện với nguy cơ phá sản”.
“Điều này là trái với chỉ đạo của Thủ tướng về việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 35. Việc điều chuyển là chưa công tâm, chưa công bằng, gây bức xúc trong số các doanh nghiệp bị chuyển tuyến”- ông Thạc nói.
Đại diện doanh nghiệp vận tải hành khách tỉnh Thanh Hoá, ông Trần Ngọc Quảng, chủ nhà xe Hà Sơn Hải, bức xúc: Sở GTVT Hà Nội mới chỉ ra văn vản chỉ đạo chứ chưa kiểm tra, nên chưa biết thực tế những xe bị điều chuyển tuyến đang như thế nào. “Các anh có điều kiện, lên khu vực bến xe Mỹ Đình, xem tình trạng xe dù, bến cóc nó mạnh như thế nào. xe limousine nó phát triển kinh khủng sau khi chúng tôi bị ra khỏi bến Mỹ Đình. Có phải điều chuyển chúng tôi để xe dù, bến cóc nó hoạt động không”- vị này đặt câu hỏi
“Chỗ nào thuận lợi thì khách chọn. Hai tháng chúng tôi về Giáp Bát, Nước Ngầm, lượng khách ở các bến này không tăng. Vậy khách đi xe ở đâu?”- ông Quảng chất vấn.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết đối với tuyến đường vành đai 3, thường xuyên xảy ra ùn tắc từ nút giao thông Trung Hòa đến ngã tư Khuất Duy Tiến. Vấn đề giảm ùn tắc đường vành đai 3 rất khẩn cấp nên Sở GTVT phải ra soát toàn bộ luồng tuyến vận tải để giảm ùn tắc. Với việc điều chuyển luồng tuyến, các doanh nghiệp chấp hành tốt, đã điều chuyển 628 nốt, còn 53 nốt Ninh Bình vẫn đang tiếp tục triển khai. Ghi nhận tại bến xe Nước ngầm vắng khách có nhiều nguyên nhân. Hiện nay không chỉ bến xe Nước ngầm vắng khách mà nhiều bến xe khách cũng vắng khách, người dân ở xa chọn đi tàu hỏa thay vì đi xe khách. Bên cạnh đó, khách chưa quen tuyến do mới triển khai được 2 tháng, chưa thuận tiện. Ông Viện cũng công nhận có tình trạng trùng luồng tuyến, xe dù bến cóc. "Thực trạng là có xe dù bến cóc có, nhưng vẫn kiểm tra xử lý, không bao che, đã xử lý 51 trường hợp, phạt 342 triệu đồng" - ông Viện nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường phát biểu
Chia sẻ những "tổn thương" mà doanh nghiệp điều chuyển luồng tuyến phải chịu, trong đó có những người vay ngân hàng có nguy cơ thua lỗ, phá sản. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường hứa: "Tất cả ý kiến của doanh nghiệp, cái gì giải đáp được, tôi sẽ giải đáp, cái gì vượt thẩm quyền tôi báo cáo bộ trưởng. Và trước 10-3, tôi sẽ báo cáo toàn bộ nội dung buổi đối thoại này lên Thủ tướng".
Trước đó, ngày 15-2, Văn phòng Chính phủ có nhận được đề nghị của một số đơn vị kinh doanh vận tải kiến nghị việc điều chỉnh Quy hoạch luồng tuyến giao thông tại bến xe Nước Ngầm. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND Hà Nội tổ chức họp với các doanh nghiệp hoạt động vận tải bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) xem xét, xử lý việc điều chỉnh Quy hoạch luồng giao thông trên địa bàn thành phố. Nội dung của buổi làm việc phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10-3.
Bình luận (0)