Các hộ kinh doanh nay được phép đưa khoai tây Trung Quốc vào chợ này với điều kiện phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và phải cam kết không lấy đất đỏ bôi lên khoai Trung Quốc để biến thành khoai Đà Lạt rồi đưa đi tiêu thụ; tiểu thương khi xuất khoai tây ra khỏi chợ nông sản Đà Lạt phải gắn nhãn hiệu trên bao bì ghi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Cả hai điều kiện nói trên khá đơn giản, chẳng hiểu sao trước đó cơ quan có trách nhiệm không nghĩ ra mà lại áp đặt lệnh cấm và lập chốt, bố trí lực lượng canh phòng như… canh trộm! Nhưng những ràng buộc mới mà TP Đà Lạt đưa ra khi cho phép lưu thông khoai tây Trung Quốc cũng không chặt chẽ, chỉ khoanh vùng ở phạm vi chợ nông sản Đà Lạt, còn đối với bên ngoài chợ - rộng ra là thành phố ngàn thông và cả tỉnh Lâm Đồng, thậm chí các tỉnh lân cận thì quy định hành chính nói trên vô tác dụng. Khoai tây Trung Quốc vẫn được nhập về, không bán được ở chợ nông sản Đà Lạt thì tiêu thụ ở nhiều chợ khác. Kể cả khi tiểu thương cố tình nhập khoai tây Trung Quốc về, đem bôi đất đỏ, “đội lốt” khoai tây Đà Lạt rồi đưa vào chợ nông sản bán, chẳng ai biết và làm gì được. Và nữa, xuất hàng khỏi chợ phải gắn nhãn mác ghi nguồn gốc, mà nhãn mác thì tráo mấy hồi! Rốt cuộc, đâu lại vào đấy, người kinh doanh ngay thẳng chịu thiệt và khách hàng thì mắc lừa.
Có tin một trong những áp lực khiến chính quyền TP Đà Lạt phải dỡ bỏ lệnh cấm là vì hàng chục hộ kinh doanh khoai tây trong chợ làm mình làm mẩy, kêu than doanh thu sụt giảm, đòi trả sạp. Tình thế đó buộc chính quyền phải xuống nước? Nếu đúng như vậy thì cả hai bên đều vì cái riêng của mình mà không nghĩ tới lợi ích lâu dài cho cộng đồng, đó là một thị trường kinh doanh lành mạnh, sòng phẳng. Cấm rồi cho, chứng tỏ việc quản lý điều hành thiếu dứt khoát, không nghiêm minh.
Chạy theo cái lợi trước mắt là tình trạng khá phổ biến. Như trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, tháng 10-2015, các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam đều giảm mạnh từ 15%-60% so với cùng kỳ năm 2014 nhưng riêng thị trường Trung Quốc lại tăng gần 19%, trong đó cá tra tăng hơn 50% - theo VASEP. Đơn giản là vì thị trường Trung Quốc dễ tính, không yêu cầu cao như Mỹ, Nhật, EU… nên các doanh nghiệp xứ ta dồn hàng bán sang, nông dân thì đua bán thủy sản nguyên liệu cho thương lái. Dù biết đây là thị trường nhiều rủi ro, sẽ đến lúc bị dội hàng, ép giá như từng xảy ra với nhiều mặt hàng nông sản nhưng doanh nghiệp và nông dân vẫn nhắm mắt đưa chân, nếu không làm vậy thì chẳng còn cách nào khác. Về lâu dài, xuất khẩu thủy sản khó tránh thất bại.
Cứ nghe nói làm ăn với Trung Quốc rất rủi ro nhưng phải làm sao để vừa giao thương vừa tránh được cạm bẫy thì chẳng ai chỉ vẽ giùm. Với những trường hợp như vậy, rất cần ngọn đuốc soi đường của cơ quan hữu trách nhưng thực tế thì người trong cuộc phải dò dẫm mở lối mà đi...
Bình luận (0)