Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Bức tranh ấy cho thấy thực trạng nền giáo dục quá ngổn ngang. Từ bậc mầm non đến phổ thông, ĐH, CĐ, dạy nghề; thực trạng ngành sư phạm, cải tiến thi cử, đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa đến hàng vạn sinh viên ra trường thất nghiệp… vẫn còn những mảng sáng - tối làm cử tri lo âu.
Trong báo cáo gửi QH trước phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tập trung vào 2 nhóm vấn đề được ấn định là chất lượng đào tạo ĐH và cải cách về giáo dục; đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Bộ trưởng thừa nhận: “Trong thời gian dài, mô hình phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục ĐH, chỉ chú trọng về tăng số lượng, chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện bảo đảm chất lượng và nhu cầu xã hội”. Tồn tại này có nguồn gốc từ những năm 2006-2010 khi các trường ĐH, CĐ tăng trưởng nóng, “sinh thêm” 180 trường, làm cho bức tranh giáo dục ĐH trở nên rối rắm! Hơn 70.000 sinh viên ra trường đang thất nghiệp đâu chỉ có nguyên nhân khách quan mà có cả trách nhiệm của ngành GD-ĐT.
Ngay cả vấn đề Bộ GD-ĐT chọn việc tổ chức thi cử làm khâu đột phá để bắt đầu thực hiện đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục cũng làm cử tri và các chuyên gia băn khoăn. Liệu một khi chương trình, sách giáo khoa chưa đổi mới thì việc đổi mới thi cử có khoa học? Đó là lý do nhiều đại biểu QH chất vấn bộ trưởng về việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi liệu có khoa học, có đánh giá đúng chất lượng 12 năm học phổ thông hay không.
Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa là đề án “xương sống” để nâng cao chất lượng giáo dục nhưng Bộ GD-ĐT lại để xảy ra sơ suất không đáng có với “vấn đề 34.000 tỉ đồng”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng đó là “lỗi kỹ thuật” nhưng cử tri băn khoăn vì sao các bộ phận tham mưu của Bộ trưởng yếu kém như vậy? Cử tri băn khoăn đề án này khởi động quá chậm chạp, mới khởi động đã “có vấn đề” và phải đến năm 2021 mới xong việc đổi mới sách giáo khoa. Thực ra, về việc đổi mới sách giáo khoa, quốc gia nào cũng làm để cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học giáo dục… nhưng với Bộ GD-ĐT sao nặng nề đến vậy. Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã mở lối bằng việc vừa ban hành 9 giải pháp đổi mới giáo dục, trong đó khuyến khích nhiều tổ chức cùng tham gia biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Vậy thì không lý do gì để đề án “xương sống” này chậm triển khai. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trong phần kết luận buổi trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã giao nhiệm vụ cho bộ này phải hoàn thành đề án đổi mới, chương trình sách giáo khoa để trình QH trong kỳ họp cuối năm nay.
Không được để xảy ra “lỗi kỹ thuật” và phải làm cho bức tranh của ngành giáo dục có nhiều mảng sáng hơn là nhiệm vụ của ngành giáo dục. Nếu chậm trễ, sai sót, giáo dục nước ta sẽ còn tụt hậu thêm.
Bình luận (0)