Phóng viên: Đề xuất nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo và cơ quan của tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là có tính đột phá trong cải cách hành chính lại tinh gọn được bộ máy nhưng có vướng gì về mặt thể chế không, thưa ông?
- TS Đinh Xuân Thảo: Quảng Ninh đã bắt tay thực hiện thí điểm đột phá này và theo tôi, đây là hướng tích cực, theo đúng chủ trương hiện nay là giảm đầu mối, giảm biên chế. Nhưng để triển khai việc này trên diện rộng thì phải sửa một số luật hiện hành; đồng thời cũng phải sửa điều lệ, quy định của Đảng vì sự đổi mới này sắp xếp cả cơ quan chính quyền và của Đảng.
Tham dự hội thảo bàn về vấn đề này tại Quảng Ninh vào đầu tháng 2 vừa qua, tôi đã phát biểu nhấn mạnh việc thay đổi mạnh mẽ của tỉnh không vướng các quy định của Hiến pháp, không vi hiến. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện được thì phải đưa vào dự thảo Luật Chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ đang xây dựng cũng như các luật liên quan.
Theo đánh giá bước đầu thì cải cách này ở Quảng Ninh đã phát huy tốt, nhất là tinh giản được bộ máy. Theo đó, sẽ tinh giản được khoảng 1/3 biên chế so với hiện nay, nhất là đội ngũ người đứng đầu. Đi kèm với đó là tiết kiệm về kinh tế rất lớn, từ lương bổng đến nhiều chi phí khác…
* Hai năm qua, Đảng và nhà nước, nhất là Chính phủ, luôn nêu cao tinh thần cải cách thể chế, từ thể chế kinh tế đến hệ thống chính trị. Vậy ý tưởng của Quảng Ninh là một bước đi cụ thể trong chủ trương này?
- Đúng vậy. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vào đầu năm 2016 tới sẽ đặt ra vấn đề quan tâm lớn là đổi mới hệ thống chính trị. Mà đổi mới hệ thống chính trị là đổi mới từ tổ chức đến phương thức hoạt động. Tại Hội nghị trung ương 10 vào tháng 1 vừa qua, mô hình đổi mới của Quảng Ninh cũng được nhìn nhận là phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước thời gian tới, đặc biệt qua tổng kết 30 năm đổi mới đất nước để chuẩn bị cho Đại hội XII - đại hội được xem là bước ngoặt về đổi mới thể chế kinh tế và hệ thống chính trị.
Đến nay, việc đổi mới về hệ thống chính trị chưa làm được nhiều và Đại hội XII sẽ quyết tâm đẩy mạnh đổi mới thể chế kinh tế và coi trọng hơn nữa đổi mới hệ thống chính trị. Trong đó, có đổi mới về thể chế các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng tập trung vào một đầu mối là MTTQ Việt Nam lãnh đạo. Trường hợp Quảng Ninh chủ trương hợp nhất Ban Dân vận về MTTQ tỉnh là một ví dụ. Thậm chí, có ý kiến còn đề nghị hợp nhất cả tổ chức phụ nữ, thanh niên… vào thì sẽ gọn đầu mối và nhân sự. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại khi hợp nhất nhiều cơ quan thì vai trò của người đứng đầu một tổ chức lớn như vậy là rất quan trọng, phải quán xuyến được tất cả các mảng.
* Việc gộp cơ quan Đảng và chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước vào thì dễ giẫm chân nhau và chức năng cũng khác nhau, liệu có khả thi?
- Đúng là có vướng vì phương thức hoạt động của cơ quan quản lý hành chính và cơ quan Đảng là hoàn toàn khác nhau nên khi nhập, cần bổ sung, điều chỉnh luật, văn bản dưới luật thật chặt chẽ. Bởi lẽ, quan hệ ở cơ quan quản lý nhà nước là quan hệ hành chính, quan hệ phục tùng; còn cơ quan Đảng dựa trên cơ sở sự đồng thuận, đa số, phương thức dân chủ. Nói dễ hiểu là một bên tập trung quyền lực cho người đứng đầu, còn một bên dân chủ.
Nếu bầu một cán bộ đứng đầu cơ quan Đảng lại đồng thời là bên chính quyền thì sẽ bầu bên Đảng trước, rồi dân bầu sau hay ngược lại? Vì vậy, cần phải tính toán để quy định chặt chẽ. Theo như đề xuất của Quảng Ninh là dân phải bầu trước chức vụ rồi sau đó phía Đảng mới bầu. Nếu làm ngược lại, phía tổ chức nhất trí nhưng dân lại không thuận thì lệch nhau cũng không ổn.
Cần nghiên cứu thêm
* Với thành công từ thí điểm của Quảng Ninh và nếu dự thảo Luật Chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ bổ sung những quy định về vấn đề này để thông qua trong 1-2 kỳ họp Quốc hội tới, liệu có thể triển khai nhân rộng ngay việc hợp nhất?
- Muốn làm sớm thì tôi e rằng rất khó bởi thí điểm này cũng chỉ là một hướng cần nghiên cứu, còn để đưa ngay vào 2 dự luật trên thì phải có một nghị quyết của Đảng. Thí điểm của Quảng Ninh chưa có kết luận của trung ương để đưa vào bàn một cách chính thức, chính thống để xem xét quyết định. Tuy nhiên, những quy định liên quan đến vấn đề hợp nhất thì 2 dự luật này có thể xây dựng theo hướng “mở” để thuận lợi cho sau này có thể quy định “cứng”.
Bình luận (0)