Chiều 30-6, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức họp báo công bố thông tin sau gần 1 tháng khai quật con tàu cổ chìm tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.
Nhiều mới lạ về gốm sứ, hoa văn
Theo báo cáo từ ban khai quật, tổng số cổ vật trong con tàu đắm lên đến 268 thùng. Trong đó, 91 thùng với hơn 4.000 hiện vật còn tương đối nguyên vẹn và 177 thùng hiện vật đã vỡ.
Kết thúc khai quật, các nhà khảo cổ học nhận định tàu bị đắm lộ diện là thuyền buồm tầm trung, dài 20,5 m, rộng 5,6 m, thân chia ra 13 khoang, trong đó có 12 khoang vách ngăn, bị chìm theo phương thẳng đứng. Tàu được ghép mộc và đinh từ 1.000 chi tiết.
Kỹ thuật làm vách ngăn tàu cũng khá đặc biệt với 1 phiến gỗ lớn rộng khoảng 1 m2, tất cả hệ thống ván ốp thuyền bằng gỗ thông dày 6-8 cm. Trước khi bị đắm, tàu đã cháy, nổ từ khoang số 4 đến khoang 6. Ban khai quật đã thu hồi một số mẫu gỗ để phân tích chất liệu và niên đại tàu.
Ngoài kỹ thuật đóng tàu của người xưa, các nhà nghiên cứu còn phát hiện khá nhiều điều mới lạ về gốm sứ, hoa văn. Trong đó, nhiều cổ vật men ngọc, men nâu da lươn, đồ sứ hoa lam, đồ sứ men trắng xanh… được xác định là quý hiếm. Nhiều đĩa men ngọc có kích thước 32-34 cm in hoa văn rồng, hoa mẫu đơn có giá trị cao.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một số hiện vật độc bản như: Hạt chuỗi đá ngọc màu xanh lá cây, chiếc đĩa ngọc có hoa văn hình rồng và quả cân của thủy thủ đoàn có in chữ cùng 19 loại tiền đồng... Đây là những cổ vật đặc biệt quan trọng cho ngành khảo cổ học Việt Nam.
TS Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết các mẫu gốm men nâu da lươn xuất hiện trong nhiều thế kỷ nhưng chưa xác định được thời điểm ra đời. Tuy nhiên, những đĩa men nâu da lươn được tìm thấy trong tàu có từ thế kỷ XIII, có thể tạm khẳng định cổ vật này có cách đây 700 năm…
Xác tàu là di sản lớn
Tại buổi họp báo, ông Đoàn Sung, đại diện Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương (đơn vị trúng thầu khai quật), cho biết: Hiện có 2 phương án xử lý xác con tàu đắm. Một là khai quật rồi đưa về bảo tàng; hai là giữ nguyên tại chỗ phục vụ du lịch. Cả 2 phương án này đang được trình UBND tỉnh xem xét.
Ngay tại buổi họp báo, TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á (Hội Khoa học nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam), đề nghị UBND tỉnh và ban khai quật nên đưa tàu về bảo tàng. Theo TS Việt, với những giá trị to lớn từ con tàu, nếu bảo tồn tại chỗ sẽ rất tốn kém và dễ bị hư hỏng.
TS Việt nhận định trong 12 tàu cổ đắm ở châu Á đã được khai quật trước đây, chưa có chiếc nào có hiện trạng tốt như tàu vừa khai quật ở Quảng Ngãi. Còn ở Việt Nam, đây là tàu thứ 6 được khai quật nhưng khác với 5 chiếc trước vì còn tương đối nguyên vẹn. Với niên đại lâu nhất được biết đến trong ngành đóng tàu cổ, bản thân chiếc tàu này đã là một di sản văn hóa lớn, có ý nghĩa to lớn đối với giới nghiên cứu tàu thuyền thương mại thế giới.
Bình luận (0)