Theo ông Nguyễn Phú Hữu, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Đắk Lắk, TP Buôn Ma Thuột - có địa hình cao, xung quanh có nhiều sông, suối thu nước - nhưng xảy ra tình trạng ngập như vừa qua “thật là chuyện lạ thường”.
Sai lầm từ quy hoạch
Ông Hữu cho rằng ngập lụt ở Buôn Ma Thuột bắt đầu từ quy hoạch. “Hiện nay, trên một số trục đường dài, mặt đường rộng chủ yếu là hệ thống thoát nước dọc, rất ít hệ thống thoát nước ngang. Khi mưa lớn, nước cộng dồn vào hệ thống thoát nước dọc trong khi hệ thống này không đủ thoát nước nên càng về cuối đường càng ngập sâu” - ông Hữu nhìn nhận.
Việc chống ngập ở Buôn Ma Thuột sẽ không khó nếu cơ quan chức năng thiết kế thêm một số vị trí thu nước ngang trên các tuyến đường. Tuy nhiên, ông Hữu cho rằng ý thức một số người dân hiện chưa cao. “Thấy cống thoát nước bốc mùi, họ lại dùng các vật dụng che chắn miệng cống nên khi mưa là nước chảy tràn qua, không xuống được rãnh thoát nước” - ông Hữu nói.
Trong khi đó, Quốc lộ (QL) 1 đang bị người dân Khánh Hòa, Phú Yên tố là “thủ phạm” ngăn nước thoát dẫn đến tình trạng ngập. Ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã lập đoàn kiểm tra về vấn đề này. Hiện tỉnh đã kiến nghị Chính phủ về 16 vị trí ở khu vực Cam Lâm, Cam Ranh cần được giải phóng mặt bằng để thoát nước ra đến đầm Thủy Triều.
Tại tỉnh Phú Yên, theo ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, trong đợt mưa vừa qua, lãnh đạo huyện đã kiểm tra, phát hiện nhiều khu vực dọc QL 1 có nguy cơ ngập nặng nếu mưa lớn do hệ thống cống thoát nước không hợp lý.
Chỉ có thể giảm ngập tạm thời
Theo ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên, sở đã đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư dự án mở rộng, nâng cấp QL 1 qua tỉnh Phú Yên) tìm cách khắc phục. “Việc khắc phục hiện nay rất khó vì QL 1 đã được nâng cấp, mở rộng nên không thể đặt thêm cống ngang qua QL để thoát nước nhanh. Giải pháp bây giờ chỉ là mở rộng, khơi thông hệ thống thoát nước dọc để thu gom nước mưa về các cầu, cống nhằm tiêu úng mà thôi” - ông Trí nói.
Dự án cải thiện vệ sinh môi trường TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) với kinh phí 93,6 triệu USD, triển khai từ năm 2006-2014 vừa hoàn thành hợp phần 1 là hệ thống chống ngập úng, thoát nước và thu gom nước thải. Thế nhưng, tình trạng ngập nước ở thành phố du lịch này vẫn xảy ra.
Ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, giải thích các tuyến đường ở trung tâm như Trần Quang Khải, Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương… có cao độ mặt đường thấp hơn nhiều so với các tuyến đường khác nên nước mưa đổ dồn về. Nếu bố trí tuyến cống dẫn nước từ trung tâm có đường kính và độ dốc lớn sẽ phải hạ cao độ của tất cả tuyến đường khác nên phương án này không khả thi. Vì vậy, việc bố trí cống như hiện nay chỉ có thể làm giảm tình trạng ngập chứ không thể giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, khả năng thoát nước ở các hố ga của dự án rất kém, không phát huy công dụng ngăn mùi của hố ga mà còn làm tình trạng ngập úng trầm trọng hơn.
Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng, Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, nhận xét tình trạng ngập ở TP Nha Trang hiện nay là đương nhiên vì khi triển khai dự án, mạnh ai nấy làm, san lấp vô tội vạ. Khi quy hoạch tổng thể chưa liên kết nhiều ngành về xây dựng hạ tầng; giải pháp trước mắt để chống ngập ở TP Nha Trang cũng chỉ là tăng cường hệ thống cống ngầm, hố thu nước và mở rộng kênh, rạch thoát nước.
Các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai cũng đang đau đầu với tình trạng ngập úng ngày càng tăng ở khu vực trung tâm TP Biên Hòa. Ông Dương Thanh Vũ, Phó Phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa, xác định nguyên nhân TP ngập là do hạ tầng đã quá cũ kỹ. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa nhanh nên các kênh mương bị xâm chiếm nghiêm trọng, các hệ thống đấu nối không đồng bộ khiến nước tràn về nhiều không thoát được. Nhà cửa lấn chiếm kênh rạch, rác rưởi tù đọng và các công trình san lấp, rồi cải tạo sông suối kéo dài nhiều năm liền cũng góp phần chặn nước đọng mỗi mùa mưa.
“TP cũng có nhiều phương án chống ngập nhưng ngân sách eo hẹp, vả lại cần có quy hoạch và phương án đồng bộ thì mới hiệu quả nên hiện nay cũng chỉ có thể khắc phục mà thôi” - ông Vũ chia sẻ.
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Việt Nam - Bộ Xây dựng, cho rằng ngập tại nhiều đô thị do các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh hoặc chưa có. Các trục tiêu thoát chính bị bồi lắng, thu hẹp không bảo đảm tiêu thoát nước trong mùa mưa; các công trình đầu mối, cầu cạn, cống thoát chưa tính toán đủ cho nhu cầu thoát nước. Nhiều tuyến giao thông đang biến thành những con đê chắn, cản trở việc thoát nước gây ngập úng cho các đô thị, việc kiểm soát phát triển đập thủy điện, hồ chứa nước tại vùng còn xem nhẹ…
Bà Lan Anh đề xuất khi chọn đất xây dựng đô thị, cần coi trọng cấu trúc tự nhiên, cấu trúc đô thị và quy hoạch sử dụng đất phải phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng vùng, từng đô thị. Khung giao thông vùng, giao thông chính của đô thị phải bám theo địa hình, có hướng xuôi theo hướng chính của dòng nước. Các giải pháp quy hoạch thoát nước đô thị khu vực hạ lưu phải gắn với giải pháp quản lý dòng chảy đầu nguồn, tăng cường diện tích thấm nước, tránh bê-tông hóa trên toàn bộ diện tích xây dựng đô thị.
Bình luận (0)