xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều giải pháp khẩn cấp phòng chống Zika!

NGỌC DUNG - NGUYỄN THẠNH - KỲ NAM

Việt Nam đã ghi nhận 2 ca nhiễm virus Zika đầu tiên tại TP HCM và tỉnh Khánh Hòa, trong đó 1 phụ nữ mang thai 8 tuần. Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang

Bộ Y tế đã công bố thông tin trên tại buổi họp báo vào sáng 5-4 ở Hà Nội. Cùng ngày, 2 đoàn công tác do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã kiểm tra công tác chống dịch tại TP HCM, Khánh Hòa.

Chưa tìm ra nguồn lây

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, kết quả xét nghiệm đối chiếu chéo 4 lần đã xác định 2 ca dương tính với virus Zika là bà C.T.L (64 tuổi; ngụ phường Phước Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) và chị P.T.H.L (34 tuổi; ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP HCM). Xét nghiệm chủng virus Zika ở Việt Nam cũng ghi nhận sự tương đồng với chủng virus này ở châu Á. Hiện cả 2 bệnh nhân đều được điều trị khỏe mạnh. Kết quả giám sát người nhà và các hộ gia đình xung quanh của 2 bệnh nhân này chưa phát hiện trường hợp nào khác nhiễm virus Zika.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm hỏi bà C.T.L, người nhiễm virus Zika đầu tiên ở tỉnh Khánh Hòa Ảnh: KỲ NAM
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm hỏi bà C.T.L, người nhiễm virus Zika đầu tiên ở tỉnh Khánh Hòa Ảnh: KỲ NAM

Tuy nhiên, chị L. đang có thai ở tuần thứ 8 - thời gian virus Zika có khả năng tác động đến thai nhi gây ra dị tật đầu nhỏ, ảnh hưởng về phát triển não bộ đối với trẻ. Chị L. có chồng đang làm việc tại Malaysia, vừa về nước vào hôm 16-3 và trở lại Malaysia ngày 19-3. Con gái 3 tuổi của chị trước đó cũng bị sốt nhẹ nhưng kết quả xét nghiệm không nhiễm Zika. Vì thế, nhiều khả năng ca bệnh này có thể mang yếu tố ngoại lai. Sắp tới, sức khỏe của bệnh nhân và sự phát triển của thai nhi tiếp tục được theo dõi chặt chẽ.

Còn về ca nhiễm bệnh ở Khánh Hòa, theo TS Viêm Quang Mai, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, có 4 trường hợp được viện xét nghiệm dương tính với virus Zika tại Diên Khánh, Cam Ranh, Nha Trang vào ngày 31-3. Tuy nhiên, khi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện Pasteur TP HCM xét nghiệm lại, chỉ có bà L. có kết quả dương tính với virus Zika.

Theo bà L., ngày 28-3, người nhà đưa bà đến khám tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa. Sau 2 ngày điều trị, bệnh tình bà thuyên giảm nhưng BV giữ lại đến ngày 4-4 mới cho xuất viện. Hằng ngày, bà chỉ làm nội trợ và lên chùa Linh Thứu (đường Ngô Gia Tự, gần nhà) thắp hương. Cách thời điểm mắc bệnh khoảng 3 tuần, bà đi cúng ở một gia đình từ Mỹ về. Bản thân bà cũng không biết vì sao mình nhiễm bệnh.

Còn nhiều ca nghi nhiễm

Đáng chú ý, thời gian điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, bà L. nằm chung với các bệnh nhân khác chứ không cách ly. BV cũng không thông báo gì về Zika cho đến khi bà xuất viện. “Khi biết tôi nhiễm virus Zika, nhiều người cùng chung đạo tràng (cùng cúng chung - PV) nổi mẩn đỏ rất lo lắng và đã đến Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm” - bà L. cho biết.

Ngay khi xác định có ca bệnh, ngày 5-4, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã đến chùa Linh Thứu và phát hiện ở đây có khá nhiều muỗi. Đoàn đã lấy hàng chục lọ hoa, bình hoa cúng để kiểm tra. Thị sát những căn nhà xung quanh chùa, đoàn nhận thấy các bình hoa có chứa nước. Viện Pasteur Nha Trang sẽ lấy máu của 5 người nhà bà L. để kiểm tra virus Zika.

Trong khi đó, bác sĩ (BS) Nguyễn Đông, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, khẳng định có 5 ca đang điều trị tại đây vì nghi nhiễm Zika. Các bệnh nhân đều đang được theo dõi, chữa trị theo phác đồ điều trị virus Zika.

Khánh Hòa là địa phương trọng điểm của sốt xuất huyết với gần 9.200 ca mắc vào năm 2015. Mặt khác, đây là TP du lịch của du khách nhiều nước nên nguy cơ lây nhiễm Zika rất cao. “Bộ Y tế nhận định thời gian tới có thể xuất hiện thêm các trường hợp nhiễm Zika tại Khánh Hòa và các tỉnh lân cận. Điều này có thể xảy ra trong thời buổi giao lưu giữa các quốc gia cởi mở như hiện nay” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ Y tế đề nghị tỉnh Khánh Hòa nâng mức độ cảnh báo dịch Zika. UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) để phòng ngừa Zika và sốt xuất huyết tại TP Nha Trang. Trong ngày 5-4, tỉnh mở rộng chiến dịch can thiệp trên toàn tỉnh về phòng chống dịch Zika. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí 10 tỉ đồng phòng bệnh sốt xuất huyết và ban hành kế hoạch chống Zika.

Cùng thời điểm, tại TP HCM, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã kiểm tra, thị sát nơi làm việc và sinh sống của bệnh nhân P.T.H.L tại tòa nhà PetroVietnam (quận 1). Theo bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, đại diện quản lý tòa nhà, tại đây hiện có 21 công ty với khoảng 1.200 nhân viên. Tòa nhà thường xuyên đón tiếp khách nước ngoài qua lại. Việc diệt muỗi và côn trùng được triển khai ở cả tầng nổi lẫn khu vực các tầng hầm và đường cống.

Sau đó, đoàn đã kiểm tra tại gia đình và khu vực bệnh nhân P.T.H.L sinh sống ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. Theo ghi nhận tại địa phương, công tác vệ sinh môi trường và diệt muỗi diễn ra định kỳ. Mật độ muỗi và lăng quăng lưu hành với mức độ thấp.

Thai phụ lo lắng

Chiều cùng ngày, lãnh đạo Bộ Y tế cũng làm việc với lãnh đạo UBND TP HCM để triển khai các giải pháp khẩn cấp chống dịch. BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Phụ sản Hùng Vương, e ngại xảy ra tình trạng quá tải do nhiều thai phụ sẽ lo lắng, hoang mang và yêu cầu xét nghiệm virus Zika. Lúc này, năng lực đáp ứng không kham nổi. Vì vậy, chỉ ưu tiên sàng lọc, trường hợp nào cần thiết mới xét nghiệm. Các chuyên gia cho biết thực ra Zika không nguy hiểm bằng bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, cộng đồng, đặc biệt những thai phụ, thời điểm này chớ quá hoang mang.

Trước thực tế trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo các BV, đơn vị y tế liên quan cần quan tâm, theo dõi và tạo điều kiện chăm sóc tốt nhất cho thai phụ P.T.H.L; đồng thời, yêu cầu ngành y tế TP HCM chủ động trong công tác tiếp cận, tư vấn chuyên môn cho bệnh nhân để người bệnh ổn định tâm lý. BS cần định hướng để bệnh nhân đến kiểm tra sức khỏe thường xuyên tại các BV sản nhi.

Ngay trong chiều 5-4, Trung tâm Y tế dự phòng quận 1 đã phun thuốc diệt muỗi, lăng quăng các khu vực nêu trên. Ngành y tế quận 2 cũng tiến hành các giải pháp y tế dập dịch Zika tại khu vực dân cư nơi có ca nhiễm virus Zika.

Hiểu đúng về bệnh

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa thông báo virus Zika đã hiện diện ở 61 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam là quốc gia mới nhất ghi nhận ca nhiễm virus Zika.

Lây qua đường tình dục

Bệnh do virus Zika lây truyền chủ yếu qua muỗi đốt, không lây qua tiếp xúc hoặc đường hô hấp... Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Vì thế, người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong quá trình mang thai hay dự định có thai.

Diệt muỗi là diệt Zika

Trong hầu hết các trường hợp, Zika lây lan qua muỗi vằn ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Biện pháp tốt nhất để phòng chống bệnh là phòng chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, nằm ngủ mắc màn, sử dụng kem thoa chống muỗi. Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình cần chủ động diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa...

80% ca nhiễm không có biểu hiện bệnh

Hầu hết những người bị bệnh do virus Zika có biểu hiện sốt nhẹ và phát ban. Những người khác cũng có thể viêm kết mạc, đau cơ và khớp, cảm thấy mệt mỏi. Các triệu chứng thường hết trong khoảng 2-7 ngày. Biểu hiện của nhiễm Zika gần giống với bệnh sốt xuất huyết nhưng nhẹ hơn và 80% không có biểu hiện bệnh.

Biến chứng tiềm ẩn

WHO cho biết cơ quan y tế đang điều tra mối liên quan giữa virus Zika ở thai phụ và dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh của họ. Đây là tình trạng hiếm gặp khi một trẻ sơ sinh có đầu nhỏ bất thường. Bệnh là do sự phát triển não không bình thường của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ hoặc trong giai đoạn sơ sinh. Trẻ sơ sinh và trẻ bị tật đầu nhỏ thường gặp phải những khó khăn với sự phát triển não bộ khi chúng lớn lên.

Điều trị thế nào?

Các triệu chứng của bệnh do virus Zika có thể được điều trị bằng thuốc hạ sốt và giảm đau thông thường, nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vắc-xin cho bệnh này. Phòng thí nghiệm có thể xác định chẩn đoán bằng xét nghiệm máu.

Điện thoại giải đáp

Người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Điện thoại đường dây nóng: 098.671.115.

Ngọc Dung

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo