Ngày 8-4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son chủ trì cuộc họp Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập Luật Báo chí. Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, cho biết dự thảo Luật Báo chí có nhiều điểm mới so với Luật Báo chí hiện hành.
Đáng chú ý, dự thảo Luật Báo chí quy định những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí (Luật Báo chí trước đây chỉ quy định về những nội dung bị cấm). Cụ thể, khoản 1, điều 11 quy định: “Nghiêm cấm việc thông tin trên báo chí những nội dung sau đây: Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục Việt Nam; tiết lộ bí mật của Đảng, nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà pháp luật Việt Nam quy định; thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Góp ý, đại diện Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung thêm hành vi bị cấm là “lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Về cung cấp thông tin cho báo chí, điều 36 quy định đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí; báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình nhưng không được quy kết tội danh; phải nêu rõ là nguồn tin riêng của báo, nhà báo và chịu trách nhiệm nội dung thông tin. Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng VKSND, chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên.
Đặc biệt, dự luật quy định người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định báo chí là cơ quan sự nghiệp có thu chứ không phải doanh nghiệp và doanh nghiệp không có báo chí. Hoạt động liên kết trong báo chí tạo điều kiện để cơ quan báo chí phát triển. “Lĩnh vực xuất bản, chỉ liên kết khâu in, phát hành, sơ bộ bản thảo; chỉ liên kết sách khoa học kỹ thuật, giải trí, không liên kết xuất bản các ấn phẩm sách chính trị, tôn giáo, hồi ký, tiểu sử...” - ông Son nhấn mạnh.
Dự thảo Luật Báo chí quy định phóng viên thường trú thuộc văn phòng đại diện hoặc hoạt động độc lập phải có thẻ nhà báo.
Bình luận (0)