Vụ án “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã kết thúc cách đây hơn 2 năm. Tuy nhiên, ông Hoàng Sỹ Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), cho biết: “Đến nay phạm nhân Phạm Thanh Bình chưa thi hành được đồng nào. Những tài sản của ông Bình đang được kê biên xử lý. Sau này, các tài sản đó sẽ được bán đấu giá để thi hành án. Còn các phạm nhân khác trong vụ án này cũng mới chỉ thi hành được mấy chục tỉ đồng ”.
Như tin đã đưa, sau hai phiên xử, 9 bị cáo trong vụ án này bị tuyên buộc bồi thường hơn 1.000 tỉ đồng. Trong đó, Phạm Thanh Bình bị buộc bồi thường hơn 500 tỉ đồng, Trần Văn Liêm (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Viễn dương Vinashin) hơn 495 tỉ đồng...
Bộ Tư pháp từng tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành để bàn biện pháp thi hành bản án trên nhưng sau một thời gian mọi việc không đi đến đâu.
Theo ông Hoàng Sỹ Thành, trong vụ Vinashin, một số doanh nghiệp không làm đơn yêu cầu thi hành án vì họ cho rằng không thiệt hại gì. Theo Luật Thi hành án dân sự 2008 và các nghị định hướng dẫn, đây là dạng án theo đơn bởi đây là doanh nghiệp cổ phần, muốn thi hành án phải có đơn của họ. Với những dạng án này, không thể chủ động thi hành để thu hồi tài sản cho nhà nước. “Đây là lỗ hổng trong luật. Sắp tới sẽ bổ sung bất luận doanh nghiệp nhà nước hay cổ phần, nếu xác định gây thiệt hại đều phải bồi thường” - ông Thành nhấn mạnh.
Trả lời báo chí về tình trạng những người chịu án oan khi đòi bồi thường phải chứng minh thiệt hại rất nhiêu khê, việc bồi thường cũng rất chậm trễ, ông Nguyễn Văn Bốn, quyền Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp), thừa nhận: “Bồi thường trong án oan là vấn đề mới ở Việt Nam nên trong triển khai, thực thi cũng vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.
Ông Bốn cho biết cục đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tư pháp tổng kết 5 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi cơ bản luật này. “Sẽ đánh giá lại những bất cập hiện tại để xây dựng luật vừa phục vụ cho nhà nước vừa phục vụ cho dân, đáp ứng đúng yêu cầu giải quyết quyền lợi cho người dân nhanh nhất, tốt nhất” - ông Bốn nói.
Chưa bổ sung quy định về xử phạt báo chí
Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, cho biết trước mắt, Bộ Tư pháp không bổ sung điều 8a vào điều 8 Nghị định 159 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản như dự thảo trước đó.
Điều khoản bổ sung này quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát sai lệch các thông tin thống kê đã được cơ quan có thẩm quyền công bố; phạt tiền từ 75-100 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ...
Bình luận (0)