xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều mặt hàng Tết khó bình ổn giá!

Nhóm PV thị trường

Với mục đích ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết, lãnh đạo Bộ Công nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất (trực thuộc bộ) chủ động tăng ca, mở rộng sản xuất để tăng thêm 30% sản lượng hàng hóa so với Tết năm trước.

Bộ Tài chính cũng đã thông báo kiên quyết xử lý việc đầu tư nâng giá... Tuy nhiên hiện nay- thời điểm trước Tết 1 tháng- giá nhiều mặt hàng thiết yếu đã nhích lên

Tại các chợ đầu mối Bình Tây, An Đông (TPHCM), sức mua đang tăng nhanh và giá nhiều mặt hàng Tết cũng tăng theo. Từ thực tế hiện nay, ban quản lý các chợ dự báo đầu tháng 12 âm lịch, thời điểm sức tiêu thụ hàng Tết tăng mạnh, giá cả hàng hóa sẽ khó lường.

Nhà bán lẻ, nhà sản xuất đổ cho nhau

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa, cho biết từ trước Tết Dương lịch đến nay, có nhiều đơn vị cung cấp hàng đề nghị tăng giá. Mức tăng bình quân từ 2% – 10%, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết như bánh kẹo, thực phẩm đông lạnh, nước giải khát, rượu bia, đồ hộp...

Nói về mặt bằng giá mới, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, giải thích: Đứng về góc độ kinh doanh, siêu thị chỉ là đơn vị phân phối sản phẩm nên không thể chủ động điều chỉnh giá cả thị trường mà phụ thuộc vào nhà cung cấp. Trong hợp đồng ký kết, Saigon Co.op có quy định rõ giá bán hàng thỏa thuận theo thời giá nhưng phải là “giá tốt nhất”.

Ngược lại, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm (có hàng tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị) cho rằng họ đã điều chỉnh giá tăng từ tháng 10, 11- 2004. Gần đây, giá hàng hóa được đẩy lên là do nhà bán lẻ chứ không phải tăng giá từ nhà sản xuất. Giám đốc một công ty sản xuất chế biến thực phẩm cho biết cách nay vài tháng ông có đề nghị các siêu thị cho điều chỉnh giá tăng thêm vài phần trăm nhưng đều bị từ chối. Tuy nhiên, gần đây ông phát hiện các siêu thị đã nâng giá bán bán lẻ lên gần 5% trong khi giá bán của đơn vị vẫn là giá cũ.

Giá bia tăng: Do nhà phân phối?

Một trong những mặt hàng đang tăng giá mạnh nhất là bia, đặc biệt là bia Sài Gòn. Giá bia hiện tăng thêm từ 4.000 đồng- 10.000 đồng/thùng hoặc két so với tuần trước. Chẳng hạn, bia 333: 162.000 đồng/thùng, Sài Gòn đỏ: 131.000 đồng/két, Sài Gòn xanh: 100.000 đồng/két. Tại siêu thị Maximark niêm yết giá cao hơn một chút so với thị trường, như bia 333: 172.000 đồng/thùng, Tiger: 210.000 đồng/thùng, Heineken: 256.000 đồng/thùng. Sài Gòn đỏ 130.000 đồng/két, Sài Gòn xanh 102.000 đồng/két. Các đại lý bia cho biết, giá sẽ còn tiếp tục tăng.

Một đại lý bia trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp cho biết, để lấy được hàng tại công ty là chuyện không dễ chút nào, nhất là thời điểm hiện nay. Ngày thường cũng không dễ, muốn lấy bia Sài Gòn phải có vốn ít nhất 1 tỉ đồng để mỗi tuần phải nhập 1.000 két mới được ký hợp đồng trực tiếp với công ty. Những người có vốn hàng trăm triệu đồng phải tìm đến những đại lý trên để lấy hàng và họ cũng bị khống chế số lượng phải lấy cả trăm két/tuần. Cứ thế, những người có vốn ít hơn nữa phải làm đại lý cấp 3, 4...

Theo lý giải của các hãng bia, việc tăng giá là do hệ thống phân phối tự làm giá, còn giá bán của hãng vẫn bằng với giá ngày thường. Hệ thống phân phối có quá nhiều cấp từ đại lý cấp 1, 2, 3... rồi mới đến cửa hàng bán lẻ, cho nên giá bia Tết sẽ bị đẩy lên theo nhu cầu thị trường, cũng như các đại lý lớn đầu cơ ghim hàng để tăng giá.

Tổng Công ty Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn cho biết sản lượng bia Sài Gòn các loại phục vụ cho thị trường Tết năm nay tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cũng đã mở rộng công suất các nhà máy sản xuất bia tại nhiều tỉnh, thành như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Phú Yên lên từ 8%- 15%, chưa kể gia công ở một số đơn vị khác nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Giá bán tại công ty vẫn giữ mức giá như ngày thường 140.000/thùng bia 333, Sài Gòn đỏ 98.000 đồng/két, Sài Gòn xanh 88.000 đồng/két. Giá đến tay người tiêu dùng tăng là do đơn vị bán hàng theo phương thức “mua đứt bán đoạn” cho nên không thể khống chế được giá bán lẻ.

Vissan không kìm được giá thịt heo!

Ông Võ Văn Em, Giám đốc Công ty Vissan, cho biết: “Theo kế hoạch của Sở Thương mại TPHCM trong việc chuẩn bị Tết, Vissan bảo đảm đưa ra thị trường 3.400 tấn thịt heo bên, tăng 16,8% so với Tết năm ngoái; 360 tấn thịt trâu, bò, tăng 40% và 2.420 tấn hàng chế biến, tăng 28%. Dựa theo diễn biến thị trường những ngày gần đây, chúng tôi nhận định chỉ có mặt hàng chế biến là bảo đảm bình ổn giá từ đây đến Tết. Còn mặt hàng thịt heo, thịt bò thì không cách nào kìm giá được do cung không đủ cầu”.

Ông Văn Đức Mười, Phó Giám đốc Công ty Vissan, cho biết thêm nguồn cung cấp heo bị thu hẹp và không ổn định. Tổng đàn heo cả nước là 21 triệu con, trong đó chỉ có khoảng 15 triệu con thương phẩm và giá thức ăn đang ở mức khá cao cho nên giá heo tăng là đương nhiên. Giá heo hơi đang ở mức cao từ 20.000 đồng- 23.000 đồng/kg.

Vì vậy những ngày cao điểm cận Tết sẽ phải tăng giá. Nhu cầu cho những ngày này từ 10.000- 12.000 con/ngày, nhưng Vissan chỉ đủ cung cấp khoảng 4.000 con/ngày. Riêng thịt bò, Vissan đã nhập bò Úc về bán nhiều tháng nay nên giá cả tương đối ổn định.

Thực phẩm chế biến: Tăng giá từ tháng 11-2004

Từ tháng 11- 2004, các công ty sản xuất bánh kẹo đã tung hàng Tết ra thị trường với mức giá được điều chỉnh tăng từ 5%- 10%. Các công ty chế biến thực phẩm như Vissan, APT, Cầu Tre đều khẳng định các mặt hàng chế biến đã điều chỉnh giá bán từ tháng 10, 11- 2004 tăng từ 5%- 10%, tùy loại. Với mức giá trên sẽ được giữ cho đến hết Tết Nguyên đán, không có việc điều chỉnh gì thêm. Nếu giá có tăng là do nhà bán lẻ.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc APT, cho biết giá nguyên liệu đầu vào tăng trên 30% nhưng các sản phẩm của công ty chỉ tăng 5% từ tháng 10- 2004 và giữ giá cho đến Tết không thay đổi. Sắp tới APT không tăng giá là vì công ty đã chủ động được nguồn nguyên liệu, dự trữ từ mùa vụ trước cho nên giá nguyên liệu biến động vào thời điểm này không ảnh hưởng đến giá thành. Tương tự, Công ty Vissan cũng đã điều chỉnh giá các loại thực phẩm chế biến tăng từ 5%- 10% và không có kế hoạch điều chỉnh tiếp.

Giá dịch vụ du lịch tăng 15%-20%

Cũng như những mặt hàng Tết khác, giá tour đi trong và ngoài nước đều biến động theo chiều hướng tăng từ 15%-20% so với ngày thường. Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Fiditourist, cho biết: Giá tăng chủ yếu là do các dịch vụ cung cấp, giá vé máy bay tăng, còn hãng lữ hành không tăng giá. Cho đến giờ này, Fiditourist chưa thay đổi giá mà còn chờ thông báo giá chính thức của Vietnam Airlines.

Ở Công ty Du lịch Bến Thành, ông Nguyễn Ngọc Châu, phụ trách đối ngoại, thông báo: Cả giá tour trong và ngoài nước đều tăng từ 15%-20%. Giá tour trong nước tăng là do giá xe, giá phòng ở khách sạn tăng. Ở các tour nước ngoài, cụ thể là các nước Đông Nam Á, họ cũng tổ chức Tết như Việt Nam nên giá một số dịch vụ cũng tăng, ảnh hưởng đến giá tour.

Đại diện Công ty Du lịch Chợ Lớn, ông Lý Tất Vinh, phân tích tình hình du lịch nội địa sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới do lượng Việt kiều về nước nhiều. Theo dự kiến của các cơ quan chức năng, lượng Việt kiều về nước trong hai tháng 1 và 2 là khoảng 100.000 người. Giá tour nội địa sẽ tăng khoảng 15% do giá xe tăng, các loại xe lớn từ 30 chỗ trở lên hiện nay rất hiếm nên ảnh hưởng đến việc tổ chức tour của các hãng lữ hành. Giá tour nước ngoài cũng tăng nhẹ do tiền phụ thu giá vé máy bay tăng.

X.H

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo