Trong thời gian qua, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã “tuýt còi” nhiều văn bản trái luật. Tuy nhiên, có rất nhiều văn bản lọt cửa cơ quan này và trong quá trình triển khai đã bộc lộ những bất cập, phi thực tế.
Không lường hết những phát sinh
Theo ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, có khá nhiều văn bản quy định hiện nay được xây dựng không phù hợp thực tiễn. Ông Sơn dẫn chứng Thông tư 33 của Bộ NN-PTNT quy định thịt sống phải bán trong thời gian 8 giờ sau giết mổ, có hiệu lực từ ngày 3-9. “Việc giết mổ, vận chuyển, bảo quản, tiêu thụ các mặt hàng thịt ở Việt Nam không thể bảo đảm được như trong quy định của Bộ NN-PTNT nên quy định như vậy sẽ khó khả thi” - ông Sơn nói.
Quy định xử phạt người gọi điện thoại ở cây xăng được cho là thiếu thực tế, khó khả thi. Ảnh: XUÂN DANH
Cũng theo ông Sơn, nhiều văn bản, nhất là văn bản xử phạt vi phạm hành chính ngay khi ra đời đã biết khó có thể thực hiện do quy định không rõ ràng về các biện pháp chế tài, xử phạt. Điển hình là Nghị định 75/CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2010.
Nghị định quy định hành vi đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Gần 2 năm qua, hiệu quả xử phạt theo nghị định này là không cao.
Theo một vị lãnh đạo Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nhiều người mua vàng mã mang tới đình, chùa làm lễ nhưng lại thuê người khác đốt nên không xác định được chứng cứ, cơ sở để xử phạt.
Theo vị lãnh đạo này, khi xây dựng văn bản, cơ quan soạn thảo không lường hết những phát sinh trong thực tế để có quy định phù hợp.
Vì những vướng mắc của nghị định này, một số tổ chức, cá nhân kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu trình Chính phủ ban hành văn bản cấm sản xuất, vận chuyển, sử dụng hàng mã... Nhưng vì hàng mã là mặt hàng thuộc danh mục cho phép sản xuất của Bộ Kế hoạch - Đầu tư nên kiến nghị trên không được chấp nhận.
Làm cho có, xa dân
Biển “cấm tiểu tiện” được dựng ở nhiều nơi công cộng, quy định xử phạt cũng có nhưng gần như không mấy ai bị xử phạt. Quy định nghe điện thoại ở cây xăng sẽ bị xử phạt ban hành từ năm 2005, đến giờ chắc chắn cũng chẳng có trường hợp nào bị xử lý.
Còn hàng loạt văn bản khác không triển khai hiệu quả, như văn bản của ngành GTVT quy định phạt người đi bộ băng qua đường không đúng phần đường quy định, văn bản của ngành y tế cấm hút thuốc lá nơi công cộng…
Ông Lê Hồng Sơn đánh giá: “Một trong những nguyên nhân khiến quá trình xây dựng văn bản không hợp lý, thiếu tính thực tiễn là do cơ quan soạn thảo thiếu dân chủ, chưa công khai dự thảo để người dân góp ý, nói tiếng nói của mình”.
Ông Sơn còn cho biết thêm khó khăn rất lớn của những người làm luật là không để tạo ra kẽ hở khi xây dựng văn bản. Trong mọi tình huống xảy ra phải có quy định, chế tài để xử lý. Điều này làm nảy sinh nhiều văn bản đưa ra quy định theo kiểu... làm cho có!
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cho rằng cần phải xem lại quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Có rất nhiều văn bản được xây dựng nhưng lại luôn được “họp bàn kín” mà không được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia cũng như đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh. “Người dân chịu tác động chính của các quy định đó nhưng nhiều khi lại không được xin ý kiến là rất phản khoa học. Những người làm luật không đứng cùng phía và thấu hiểu với suy nghĩ của người dân thì làm sao có thể ban hành được những quy định sát sườn cho được” - ông Hậu nhấn mạnh.
Bình luận (0)