Ngày 15-8, Bộ Tài chính đã họp báo giới thiệu dự án Luật Sửa 5 luật thuế (dự án luật), gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế tài nguyên, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo đó, bên cạnh một số mặt hàng được giảm thuế, sẽ có nhiều mặt hàng được đề xuất tăng thuế khá mạnh.
Trúng Vietlott phải nộp thuế 30%
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, cho biết theo dự thảo, nhiều mặt hàng được đề xuất đưa vào diện chịu thuế TTĐB hoặc tăng thuế. Đặc biệt là người trúng xổ số sẽ phải nộp thuế rất cao theo đề xuất của Bộ Tài chính. Hiện nay, trúng thưởng trên 10 triệu đồng phải nộp thuế 10%. Bộ Tài chính đề xuất 3 bậc thuế: trúng thưởng đến 5 tỉ đồng, nộp thuế 10%; trên 5 tỉ đồng đến 10 tỉ đồng, nộp thuế 20% và trên 10 tỉ đồng phải nộp thuế 30%.
Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế TTĐB nhằm điều tiết tiêu dùng với đồ uống có đường để giảm nguy cơ dân số mắc bệnh béo phì. Những đồ uống trên bao gồm các loại nước ngọt có gaz, không gaz, nước tăng lực, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất nước ngọt. Hiện nay, thuế TTĐB chỉ áp dụng đối với nước ngọt có gaz.
Luật thuế sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Trong ảnh: Làm thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Về kinh nghiệm quốc tế, các nước trong khu vực đã thu thuế TTĐB với mặt hàng nước ngọt. Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ 2 phương án. Một là áp mức thuế 10% từ năm 2019. Hai là áp thuế 20% từ năm 2019, trong đó cơ quan soạn thảo đề xuất chọn phương án 1.
Đối với thuốc lá, Bộ Tài chính cũng đề xuất 2 phương án. Phương án 1, áp thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp (cả thuế suất tỉ lệ và thuế suất tuyệt đối). Theo đó, từ năm 2020 bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao 20 điếu và 1.500 đồng/điếu xì gà. Với năng lực sản xuất 5 tỉ bao thuốc lá/năm và tiêu thụ khoảng 4 tỉ bao, ngân sách sẽ thu thêm được khoảng 4.000 tỉ đồng. Phương án 2, tăng thuế suất theo lộ trình. Từ năm 2020 sẽ tăng thuế TTĐB thuốc lá từ 75% lên 80% và từ năm 2021 tăng lên 85%. Bộ Tài chính đề xuất chọn phương án 1 vì phương án này hiện được áp dụng tại 48 nước trên thế giới.
Khuyến khích nội địa hóa ô tô
Ông Phạm Đình Thi cũng cho biết Luật Thuế TTĐB hiện nay đang quy định giá tính thuế đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra nên không khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, chưa tạo điều kiện cho hàng sản xuất trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ 2 phương án đánh thuế TTĐB với mặt hàng ô tô.
Phương án 1, giá tính thuế TTĐB với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Phương án 2, giá tính thuế TTĐB sẽ giữ nguyên như hiện hành, tức không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất chọn phương án 1.
Trước thực trạng gần đây có hiện tượng một số người tiêu dùng chuyển sang mua xe bán tải do thuế TTĐB thấp hơn xe con có cùng số chỗ ngồi, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB đối với xe bán tải bằng 60% mức thuế của xe con cùng dung tích xi-lanh.
Loại xe này chủ yếu có dung tích xi-lanh khoảng 2.000-3.000 cm3, nên nếu thuế suất của xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 55% thì mức thuế với xe bán tải là 33%. Hiện nay, thuế TTĐB của xe bán tải chỉ từ 15%-25% tùy dung tích động cơ.
Tăng thuế GTGT lên 12%
Đối với thuế GTGT, ông Phạm Đình Thi cho biết dự án luật đề xuất thu hẹp diện đang được hưởng thuế suất 5% thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ đã thực hiện xã hội hóa như nước sạch, một số loại máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, giáo dục, phim ảnh, thời trang...
Cơ quan soạn thảo đề nghị nâng mức thuế suất thuế GTGT theo 2 phương án. Phương án 1, tăng từ 10% lên 12% từ ngày 1-1-2019. Phương án 2, tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1-1-2019 và tiếp tục tăng lên 14% từ ngày 1-1-2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.
Theo Bộ Tài chính, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong bối cảnh nợ công tăng cao tại các quốc gia, kể cả các nước đã phát triển, các quốc gia có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.
Thuế TNCN: Còn 5 bậc, bỏ thủ tục quyết toán
Nội dung đáng chú ý đối với đề xuất sửa đổi liên quan đến Luật thuế TNCN là giảm bậc chịu thuế và bỏ thủ tục quyết toán thuế. Cụ thể, bậc thuế TNCN sẽ giảm từ 7 bậc hiện nay xuống còn 5 bậc. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án xử lý đối với quy định quyết toán thuế TNCN.
Phương án 1: Bỏ quyết toán thuế, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công tính thuế TNCN hằng tháng theo biểu thuế lũy tiến, cuối năm tổ chức chi trả có trách nhiệm tính lại theo thu nhập bình quân 12 tháng để xác định cá nhân phải nộp thuế thêm hoặc nộp thừa và tự bù trừ cho cá nhân. Phương án này không ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân nộp thuế.
Phương án 2: Giữ nguyên quy định quyết toán thuế để phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng bổ sung quy định ngưỡng tiền thuế dưới 300.000 đồng thì không xử lý hoàn thuế hoặc phải nộp thêm. Bộ Tài chính đánh giá phương án này sẽ dẫn đến tình trạng hoàn thuế, nộp thêm thuế, xử phạt do không quyết toán thuế đúng hạn, quá tải tại thời điểm quyết toán.
Bình luận (0)