Cục Hàng hải Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải từ ngày 3-3 đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa (Cảng vụ Thanh Hóa) kiểm điểm nghiêm túc và xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan việc cho phép tàu Bạch Đằng 06 rời cảng khi chưa bảo đảm các điều kiện, báo cáo kết quả trước ngày 15-3. Thế nhưng, đến nay, đơn vị này vẫn chưa đưa ra hình thức kỷ luật những người liên quan.
Trước đó, ngày 18-1, đại diện Bạch Đằng 06 xuất trình giấy tờ cho tàu rời cảng ở Văn phòng đại diện Cảng vụ Thanh Hóa tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) để đi Nam Định, gồm: Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa số 178 cấp ngày 1-11-2014 (bản sao), giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa do Chi cục Đăng kiểm 10 cấp ngày 1-3-2016, danh sách thuyền viên tàu rời cảng (9 người) và chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên. Ngày 20-1, tàu chìm ở vùng biển gần đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Một trong 5 thuyền viên trên tàu mất tích.
Việc tàu Bạch Đằng 06 chìm bất thường đã lộ ra nhiều sai phạm của Cảng vụ Thanh Hóa. Cụ thể, toàn bộ 5 thuyền viên trên tàu gặp nạn đều không có bằng cấp chuyên môn và không có tên trong danh sách rời cảng Nghi Sơn. Cán bộ Cảng vụ Thanh Hóa không truy cập dữ liệu để nắm bắt thông tin tàu, bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên. Đặc biệt, hành trình của tàu không khớp giấy phép khi rời cảng. Thay vì đi Nam Định, tàu được phát hiện chìm tại vùng biển Hải Phòng.
“Việc số thuyền viên trên tàu không khớp danh sách khai báo khi xuất cảng mà cán bộ không phát hiện là do tàu neo cách xa bờ và đêm tối” - ông Đặng Văn Ba, Giám đốc Cảng vụ Thanh Hóa, lý giải.
Theo báo cáo, việc để xảy ra hàng loạt sai phạm khi tàu Bạch Đằng 06 rời cảng là do ông Đinh Văn Dũng, Phó đại diện Cảng vụ Thanh Hóa tại Nghi Sơn và ông Nguyễn Tiến Thành, cán bộ thủ tục tàu. Hiện 2 ông này được tạm thời điều động về làm việc tại trụ sở Cảng vụ Thanh Hóa.
Ngày 14-4, vụ chìm tàu Bạch Đằng 06 được cơ quan chức năng xác định có dấu hiệu vi phạm Bộ Luật Hình sự. Cụ thể, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa của tàu hết hạn từ năm 2010, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa là giả mạo. Danh sách thuyền viên đăng ký gồm 9 người đều không có trên tàu. Lúc rời cảng Nghi Sơn, tàu có 5 người nhưng đều không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn. Tàu đã hoán cải từ năm 2014 nhưng không đăng ký, đăng kiểm phương tiện; tàu đăng ký đi Nam Định nhưng không có cảng nào tại tỉnh này có kế hoạch tiếp nhận. Từ những sai phạm này, Cảng vụ Hải Phòng đã đề nghị Công an TP Hải Phòng điều tra.
Ông Lê Duy Hải, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính Cảng vụ Thanh Hóa, khẳng định chưa nhận được kết quả điều tra từ Cảng vụ Hải Phòng nên chưa có căn cứ để xử lý những cá nhân liên quan.
Tuyển dụng trái quy định
Ngày 6-8-2015, ông Đặng Văn Ba, Giám đốc Cảng vụ Thanh Hóa, ký quyết định tuyển dụng ông Cao Xuân Vinh (trình độ cao đẳng) vào làm việc tại cảng vụ và sau đó 1 năm tiếp tục ký quyết định không xác định thời hạn với người này.
Việc này trái với quy định tại văn bản số 56/CHHVN-TCCB do cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật ký gửi các đơn vị trực thuộc. Theo đó, kể từ ngày 1-1-2015, không tuyển dụng nhân sự dưới mọi hình thức vào làm việc tại đơn vị do mình quản lý, trường hợp đặc biệt phải do cục trưởng quyết định.
Lãnh đạo Cảng vụ Thanh Hóa còn bổ nhiệm, điều động ông Nguyễn Văn Bảo (nhân viên bảo vệ) làm thuyền viên ca nô công vụ, sau đó chuyển sang làm kế toán thu phí và lệ phí hàng hải tại cảng Lễ Môn.
Những sai phạm trên đã được Cục Hàng hải chỉ ra và yêu cầu tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan nhưng đến nay, Cảng vụ Thanh Hóa vẫn chưa thực hiện.
Bình luận (0)