Ngày 26-12, Thanh tra Nhà nước tỉnh Ninh Thuận có kết luận việc mua sắm thiết bị dạy học của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trong 3 năm 2010-2012.
Sai từ thẩm định đến tư vấn
Từ năm 2010 đến 2012, Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện 19 gói thầu để mua sắm thiết bị dạy học với tổng số tiền hơn 34,7 tỉ đồng. Trong số gói thầu nói trên, Sở GD-ĐT đã chọn Công ty CP Định giá và Đầu tư kinh doanh bất động sản Thịnh Vượng (TP HCM) thẩm định giá 8 gói với tổng giá trị hơn 10 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Nhà nước tỉnh Ninh Thuận, kết quả thẩm định 8 gói thầu này không có giá trị về mặt pháp lý. Bởi lẽ, khi ký chứng thư thẩm định giá, bà Lê Thị Thanh Tuyết (chuyên viên của Công ty Thịnh Vượng) chưa được Bộ Tài chính cấp thẻ thẩm định viên, thậm chí trong báo cáo thẩm định giá giữa Công ty Thịnh Vượng và Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận, người ký chức danh giám đốc là ông Phạm Đức Long, trong khi ông này chỉ là trưởng phòng nghiệp vụ.
Khi ký chứng thư gói thầu thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi mẫu giáo năm 2012, Công ty CP Thẩm định giá Thăng Long không chiết tính cụ thể, đưa ra đơn giá một số mặt hàng cùng mã số cao gấp 3-4 lần so với hồ sơ dự thầu nhưng vẫn được Sở GD-ĐT duyệt.
Trong 14 gói thầu được kiểm tra, Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận giao 7 gói cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Gia Tường tư vấn đấu thầu. Qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện có đến 3/5 thành viên tổ tư vấn của công ty này không có chứng chỉ hành nghề. Trong khi đó, tổ tư vấn đấu thầu 6 gói thiết bị là cán bộ, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận đảm trách, có đến 8 người không có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ. Thậm chí, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Phòng Kế hoạch - Tài chính, được giám đốc đốc sở phân công là thành viên tổ tư vấn đấu thầu lại vừa tham gia tổ thẩm định giá thầu. Đây là việc làm vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu.
Bất thường trong chọn nhà thầu
Năm 2012, Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận tổ chức đấu thầu thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi mẫu giáo thuộc nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia với kinh phí 3,8 tỉ đồng. Sau đó, cơ quan thanh tra phát hiện có nhiều biểu hiện bất thường tại gói thầu này. Cụ thể, theo quy định, đây là gói thầu có giá trị dưới 5 tỉ đồng nên nhà thầu chỉ cần chứng minh năng lực doanh thu của 2 năm liên tiếp trước đó (2010-2011) có giá trị ít nhất bằng 1,5 lần so với giá trị gói thầu (3,8 tỉ đồng x 1,5 = 5,7 tỉ đồng). Tuy nhiên, Sở GD-ĐT lại yêu cầu các nhà thầu trình hồ sơ năng lực kinh doanh 3 năm với doanh thu bình quân hằng năm ít nhất là... 17 tỉ đồng (!?).
Do quy định “ngặt nghèo” này, trong 3 nhà cung cấp tham gia gói thầu chỉ có Công ty TNHH Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Ánh Dương (Hà Nội) được chọn, Công ty CP Thương mại Thiên Nam (Hà Nội) và Công ty TNHH Thiết bị giáo dục Hồng Anh (TP HCM) bị loại. Trong đó, Công ty Hồng Anh là nhà thầu có kinh nghiệm, đủ năng lực tài chính, chào giá 3,217 tỉ đồng (giảm 15,3% so với mời thầu); còn giá của Công ty Ánh Dương là 3,796 tỉ đồng (giảm 0,09%).
Việc xét chọn “bất thường” này làm thất thoát ngân sách khoảng 579 triệu đồng (chênh lệch giá của 2 đơn vị tham gia).
Nghiệm thu khống
Thanh tra Nhà nước tỉnh Ninh Thuận cho rằng sai phạm nghiêm trọng nhất của Sở GD-ĐT là việc “nghiệm thu khống”. Ở 14 gói thầu với tổng giá trị hàng chục tỉ đồng nhưng khi nghiệm thu, bàn giao trang thiết bị dạy học lại không có sự tham gia của chủ đầu tư. Do đó, hàng loạt thiết bị kém chất lượng, sai vật liệu chế tạo, không đúng kích thước, xuất xứ hàng hóa vẫn được tiếp nhận, đưa vào sử dụng.
Bình luận (0)