Ngày 19-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về dự thảo báo cáo của đoàn giám sát tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật .
Thụ lý, xem xét 102 trường hợp
Trình bày báo cáo của Bộ Công an tại phiên họp, Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, cho biết từ năm 2012 - 2014, số người bị bắt, tạm giữ hình sự là trên 200.000. Trong đó, từ ngày 1-10-2011 đến ngày 30-9-2014, đã xảy ra 226 phạm nhân chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam; nguyên nhân chủ yếu do bị bệnh, tự sát.
Theo ông Lượng, trong thời gian này, cơ quan điều tra các cấp đã tiếp nhận và giải quyết 46 đơn có nội dung tố cáo điều tra viên và cán bộ điều tra có hành vi bức cung, dùng nhục hình. Trong số này, đã giải quyết 40 đơn (37 đơn tố cáo sai, 3 đơn tố cáo đúng), 6 đơn đang giải quyết.
Trong khi đó, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết liên ngành TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Bộ Công an đã thụ lý xem xét 102 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ QH khóa XIII có mức hình phạt từ 20 năm đến chung thân hoặc tử hình. Trong đó, 35 trường hợp kêu oan, 67 trường hợp kêu oan nhưng nội dung đề nghị chỉ là xin giảm nhẹ hình phạt hoặc xem xét lại phần trách nhiệm dân sự.
Liên ngành đã xem xét, giải quyết 22 trường hợp, trong đó 19 trường hợp trả lời không có căn cứ kháng nghị, 3 trường hợp kháng nghị giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm để điều tra lại.
Khó tin phạm nhân chết do bệnh
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Phú Yên Nguyễn Thái Học đề nghị Bộ Công an giải thích rõ 548 trường hợp bị bắt, tạm giữ hình sự sau đó trả tự do, 91 trường hợp bị tạm giam sau đó chuyển xử lý hành chính có xem là bị oan không? Nếu có thì xử lý oan sai thế nào?
Về con số 226 người chết trong nhà tạm giữ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện hoài nghi: “Chuyện chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam bây giờ xảy ra nhiều hơn trước. Nguyên nhân chủ yếu do bị ốm có thực sự thuyết phục?”.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thái Học, Trung tướng Trần Trọng Lượng khẳng định: “91 trường hợp này vừa là oan vừa là sai nên phải gọi là oan sai chứ không hẳn là oan; nhiều trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự”. Về hoài nghi của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Trung tướng Lượng khẳng định chết trong nhà tạm giam chủ yếu là tự sát và số lượng rất ít.
Không đồng tình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, ông Đỗ Mạnh Hùng, thẳng thắn: “Trả lời như anh Lượng tôi thấy chưa thỏa đáng và tôi tin ĐBQH cũng không tán thành. Những trường hợp tự sát, các anh phân loại thành hai trường hợp treo cổ và tự tử, vậy treo cổ là tự mình treo hay bị người khác treo? Các điều kiện tạm giam, tạm giữ thế nào để số người treo cổ và tự tử lớn như vậy?”.
Nhiều ĐBQH còn chất vấn trong số 226 trường hợp chết thì do tự sát bao nhiêu người, đánh nhau bao nhiêu người? Trung tướng Trần Trọng Lượng cho biết: “Số lượng đánh nhau chết thì hiện chưa thống kê cụ thể, sẽ bổ sung vào phiên họp tới”.
Hôm nay, 20-3, UBTVQH tiếp tục họp cho ý kiến về báo cáo.
Đề nghị xem lại vụ Hồ Duy Hải
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết bà là trưởng đoàn giám sát ở Bắc Giang, Nam Định và tham gia đoàn giám sát ở TP HCM. “Ở các vụ Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hồ Duy Hải, tại sao họ không phạm tội mà lại nhận tội ngay ở giai đoạn điều tra với sức khỏe tâm thần bình thường?”. Nêu ra 3 vụ án này, bà Nga nhận xét: “Chúng ta thường thiên về chứng cứ buộc tội hơn là gỡ tội, coi nhẹ chứng cứ vô tội”.
Riêng vụ Hồ Duy Hải, bà Nga đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét lại theo kiến nghị của đoàn giám sát cũng như cá nhân bà.
Trung tướng Trần Trọng Lượng cho biết tới đây, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương sẽ vào Long An nghe báo cáo lại vụ Hồ Duy Hải một lần nữa.
Bình luận (0)