Kéo dài hơn 15 giờ với ít nhất 2 đợt bùng phát, đây có thể xem là vụ hỏa hoạn hiếm hoi hao tốn nhiều thời gian, công sức nhất trong nhiều năm qua ở nước ta. Theo thông tin từ hiện trường, khoảng 9 giờ 5 phút ngày 23-3, khói lửa bốc lên từ khu nhà xưởng (tầng 5) của Công ty Kwong Lung - Meko chuyên về may mặc khi cả ngàn công nhân đang làm việc.
Lửa lan nhanh và dữ dội đến mức lực lượng PCCC Cần Thơ phải kêu gọi sự hỗ trợ của đồng nghiệp từ các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP HCM. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày thì các lực lượng phối hợp đã cơ bản khống chế được đám cháy. Tuy nhiên, do lửa vẫn cháy âm ỉ và sau đó bùng phát trở lại nên đến rạng sáng 24-3, hiện trường mới được kiểm soát.
Câu hỏi xuất hiện ngay trong đầu là vì sao đám cháy lại hoành hành quá lâu và lực lượng PCCC chuyên nghiệp - được cho là có mặt kịp thời - đã phải xử lý sự cố khó khăn đến như vậy? Câu trả lời sớm đã được đại tá Trần Đức Đình, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ, đưa ra là thiếu nước và áp lực nước yếu ở KCN Trà Nóc. Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan chức năng nhưng cũng có một câu hỏi khác căn cốt hơn, rằng những đợt diễn tập chữa cháy đã được “tiêu hóa” như thế nào khi mà lực lượng PCCC TP Cần Thơ cho thấy họ đã lúng túng, bị động lúc hữu sự. Đó là chưa nói đến công tác dự phòng của một đơn vị PCCC cấp thành phố.
Mà đây không chỉ là vấn đề của Cần Thơ. Dường như đang tồn tại một khoảng cách nào đó giữa các đợt diễn tập PCCC - thường là đạt yêu cầu cao - và thực tế chữa cháy. Lý do là những đám lửa trong tình huống giả định không đủ khốc liệt, tàn bạo và gây chết chóc như những biển lửa thật sự. Các địa hình giả định cũng không thể tái hiện đầy đủ địa hình thực tế ở các khu vực dân cư, nhà máy, xí nghiệp… vốn đa dạng và trắc trở. Tình hình cháy nổ những năm gần đây trên cả nước cho thấy trong một số vụ hỏa hoạn, dù không thiếu sự quả cảm và tài trí nhưng các chiến sĩ PCCC vẫn không thể khuất phục “giặc” lửa! Đó là sự thật không vui.
Bài học luôn luôn mới trong PCCC, theo các chuyên gia, vẫn là chủ động phòng cháy, không chủ quan, khinh suất; khi có đám cháy thì sử dụng các phương tiện phòng chống tại chỗ để dập ngay. Đối với các khu nhà cao tầng, việc trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động để xử lý ban đầu khi có cháy nổ là đòi hỏi cấp thiết. Và hãy nhớ “đừng để đến ngày mai những gì có thể làm hôm nay!”.
Một đốm lửa có thể trở thành biển lửa chỉ trong vòng 30 phút. Yếu tố thời gian trong chữa cháy xem ra còn gấp gáp hơn nhiều so với đòi hỏi “thời gian vàng” cho cấp cứu đột quỵ hay nhồi máu cơ tim!
Bình luận (0)