Đúng như “chuyện thường ngày ở huyện”, lâu nay, tất cả đều đúng quy trình, đủ tiêu chuẩn, trong quy hoạch, chỉ hơi ngoại lệ một chút đó là do “ngẫu nhiên” như việc quay xổ số!?
Lâu nay, chuyện cài người nhà vào bộ máy công quyền ở ta không hiếm. Bộ Nội vụ chưa thống kê được có bao nhiêu trường hợp cha con, anh em, vợ chồng... cùng làm việc trong một cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước nhưng với những vụ như vậy mà trái pháp luật, bị phát hiện, xử lý thì nhiều người dân có cơ sở để lo ngại việc lạm dụng quan hệ gia đình trong việc công sẽ gây ra dư luận không tốt, thậm chí làm thiệt hại cho lợi ích chung.
“Một người làm quan, cả họ được nhờ”, câu nói của người xưa hẳn đã hàm ý về chuyện không hay. Cũng bởi thế nên từ thời vua Lê Thánh Tông, từng có một nguyên tắc bổ nhiệm quan lại hết sức nghiêm ngặt, gọi là Luật Hồi tỵ. Hàng trăm năm trước, vua quan đã sớm ý thức những quy luật khắc nghiệt giữa quyền và lợi.
Có một nghịch lý trong tổ chức bộ máy công quyền, do nguyên tắc “hồi tỵ” không được kế thừa đầy đủ, nếu không nói là đi ngược lại: Quan đầu tỉnh đúng ra phải từ nơi khác được bổ nhiệm về để làm nhiệm vụ đại diện cho chính quyền trung ương và là công bộc của dân, trong khi chúng ta thì bố trí người địa phương vào vị trí ấy; đại biểu nhân dân đáng lý ra phải chọn người ở địa phương, nắm bắt được dân tình thì lại có nhiều vị được trung ương phân bổ từ nơi khác đến.
Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành cũng có những quy định như: người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ lãnh đạo về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ; làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức hoặc mua bán vật tư, hàng hóa, giao dịch, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức đó. Hay quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
Như vậy, quy định pháp luật không phải không có nhưng có thể là ở khâu tổ chức thi cử, tuyển dụng cán bộ hoặc thiếu sự giám sát, kiểm tra của dân, nạn “phủ binh phủ, huyện binh huyện” vẫn còn đó nên chỉ khi báo chí phanh phui thì mới vỡ lẽ!
Quan hệ huyết thống len sâu vào các quan hệ quyền lực công khiến nạn tham nhũng có đất hoành hành. Trong khi kiên trì thay đổi dần ý thức, tâm lý của xã hội thì điều đầu tiên cần làm là phải áp dụng những biện pháp phòng ngừa, không để quan hệ họ hàng, thân quen, “con ông cháu cha” có cơ lấn át việc công. Phải áp dụng nghiêm những quy định pháp lý, dần dần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, giám sát chặt chẽ cơ quan chức năng, đặc biệt là của dân; nếu bị phát hiện thì phải xử nghiêm để tránh những rắc rối nảy sinh từ các mối quan hệ thân hữu nhằm làm trong sạch bộ máy công quyền.
Bình luận (0)