Hồi cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi về quê viết cuốn Địa chí Đại Lộc. Lúc này, Đảng bộ và chính quyền huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam làm Đền tưởng niệm những tiền bối có công và các anh hùng liệt sĩ trên đồi Trường An. Việc làm này được nhân dân địa phương ủng hộ.
Người con của quê hương
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm và chúc Tết nguyên
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công vào đầu năm 2009. Ảnh: TTXVN
Cụ nói giọng Quảng Nam đặc sệt, có những từ dùng mà phải qua một thoáng, tôi mới nhớ mình đã từng nghe từ thuở thiếu thời. Khi biết tôi viết báo ở TPHCM về giúp huyện biên soạn cuốn Địa chí Đại Lộc, cụ nở nụ cười hiền và qua vài ba câu gợi hỏi, cụ nói vui: “Thèn ni không lai” (thằng này không lai), nghĩa là tôi cũng nói giọng Quảng Nam “rin”, chứ không pha tiếng như một số người khác.
Giọng Quảng Nam “rin”
Khi cụ nghỉ việc, vào sinh sống tại TPHCM, tôi nhiều lần đi theo đoàn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thành ủy TPHCM, nhất là các đoàn đại biểu của tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng… đến thăm cụ. Hồi cụ còn tỉnh táo, tôi thường hay nhắc chuyện “Thèn ni không lai” để nhìn nụ cười hiền của cụ.
Cách đây mấy năm, Đảng bộ và chính quyền địa phương xây trên nền nhà cũ của cụ ở làng Khương Mỹ, xã Tam Xuân một cái nhà, mái lợp ngói âm dương làm nhà lưu niệm. Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Đại Lộc họp bàn nên đóng góp chút gì cho có “chất văn hóa” vào nhà lưu niệm của cụ. Không biết mấy anh bàn sao, anh Nguyễn Văn Ngũ, Bí thư Huyện ủy, điện vào nhờ tôi viết một câu đối. Tôi viện lẽ khó quá, xin từ chối thì anh Ngũ nói rõ có khó mới nhờ đến tôi, chứ dễ thì anh em làm hết rồi. Do đó, tôi phải nghĩ và viết cho ra.
Sau mấy ngày đọc đi đọc lại tiểu sử của cụ, tôi viết nên câu đối, mỗi vế những… 41 từ và fax về. Được các cấp có trách nhiệm thông qua, tôi cặm cụi cả tháng chuyển qua chữ Nôm để chuyển cho thợ khắc gỗ nhưng chiều cao của cây cột nhà lưu niệm có hạn nên đành phải bớt một số chữ. Câu đối hiện đang treo trang trọng trong Nhà Lưu niệm cụ Võ Chí Công, chỉ còn 28 từ cho mỗi vế, như sau:
Từ Quảng Nam dấn bước tiền phong, tù ngục chẳng sờn lòng, võ trang diệt giặc giành đất rộng trời xanh, đưa Tổ quốc đến ngày toàn thắng;
Ra Hà Nội chung vai trọng trách, gian nan càng vững lái, tâm huyết dốc lòng lo dân giàu nước mạnh, cầm chính quyền giữ phép chí công.
Nay, được tin cụ ra đi, tôi ghi lại những dòng này như nén tâm nhang nhớ về cụ, nhớ về nụ cười hiền của cụ với giọng nói đặc sệt Quảng Nam: “Cái thèn ni!”.
Linh cữu nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công được quàn tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM. Lễ viếng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, bắt đầu từ 8 giờ đến 18 giờ các ngày 10 và 11-9. Lễ truy điệu bắt đầu từ 6 giờ đến 7 giờ ngày 12-9. Lễ an táng cùng ngày tại Nghĩa trang TPHCM. Cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu ông Võ Chí Công tại TPHCM, sẽ tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu ông tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình - Hà Nội và tại trụ sở Tỉnh ủy Quảng Nam. Trong hai ngày tang lễ ông Võ Chí Công, các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí. |
Tổ chức tang lễ theo nghi thức quốc tang Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (tên khai sinh là Võ Toàn), sinh ngày 7-8-1912, quê quán xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam); thường trú tại phường Thảo Điền, quận 2 - TPHCM. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1930; vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 5-1935 (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam); nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII. Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, ông Võ Chí Công đã từ trần hồi 7 giờ 17 phút ngày 8-9-2011 (tức ngày 11 tháng 8 năm Tân Mão) tại Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM. Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, ông Võ Chí Công đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Để tỏ lòng tưởng nhớ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ ông Võ Chí Công theo nghi thức quốc tang. Ban lễ tang gồm 32 đồng chí, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban. |
Bình luận (0)