xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhớ mãi món quà của Đại tướng

TUẤN MINH

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa hơn 2 năm nhưng khi nhắc về người, những nữ công binh thép năm xưa không bao giờ quên 2 cuộc gặp gỡ cách nhau 30 năm

Trong dịp kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) năm nay, chúng tôi tình cờ được gặp những nữ công binh - chủ yếu là người Thanh Hóa - thuộc Trung đội B3C3D33, Binh trạm 14, Đoàn 559 từng tham gia bảo vệ tuyến đường 20 Quyết Thắng tại tỉnh Khăm Muộn - Lào. Họ đã kể về những kỷ niệm khó quên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhất là món quà đầy ý nghĩa của người.

“Điểm lửa” Phu La Nhích

Được giao nhiệm vụ khai thông tuyến đường tại khu vực cua chữ A, ngầm Tà Lê và đèo Phu La Nhích - những nơi trọng yếu mà quân địch ngày đêm bắn phá ác liệt ở Khăm Muộn - nhưng các cô gái mới mười tám, đôi mươi ngày ấy luôn hoàn thành nhiệm vụ.

Trung đội nữ công binh thép gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội sau 30 năm
Trung đội nữ công binh thép gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội sau 30 năm

Đã 45 năm qua đi nhưng với các nữ công binh B3, kỷ niệm về những ngày tháng quên mình trong mưa bom, bão đạn để cho tuyến đường luôn được thông suốt, đặc biệt là dịp được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không bao giờ nhạt phai, dù giờ đây tất cả đều đã già nua và Đại tướng cũng đã về cõi vĩnh hằng.

Năm 1971, cô thôn nữ Vũ Thị Khương (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) mới tròn 18 tuổi đã viết đơn xung phong ra chiến trường. Sau 3 tháng huấn luyện tại Hà Tĩnh, cô được biên chế vào B3 cùng 37 người khác. Trung đội này được phân công bảo vệ tuyến đường 20 Quyết Thắng.

Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, đèo Phu La Nhích là một trong những trọng điểm mà quân địch ném bom đánh phá ác liệt nhất nhằm chặt đứt tuyến đường huyết mạch vận chuyển nhu yếu phẩm, súng đạn từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ đèo Phu La Nhích, ngầm Tà Lê đến cua chữ A, ngày nào cũng có gần 30 lượt máy bay Mỹ quần thảo, oanh tạc.

“Từ sáng sớm đến chiều muộn, ngày nào chúng cũng cho máy bay ném bom. Khu vực B3 sống và chiến đấu núi đồi trọc lóc không một bóng cây, hố bom chi chít, bụi đỏ quạch. Ngày nào cũng có thương vong, máu đổ nhưng cứ ngớt tiếng bom là chị em chúng tôi và một tiểu đội công binh nam đóng dưới chân đèo lại từ trong hang đá ào ra, lấp lại những hố bom để thông xe” - bà Khương nhớ lại.

Sống và chiến đấu trên “điểm lửa” Phu La Nhích, các nữ công binh thiếu thốn trăm bề. Họ ăn ngủ, sinh hoạt đều ở trong hang. Thứ mà họ không bao giờ thiếu thốn là tiếng bom dội xuống mỗi ngày. Dù khó khăn trăm bề, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào nhưng các nữ công binh vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

“Ngày mưa nước lớn, ngoài việc lấp những hố bom trên cao, trực barie, chúng tôi còn chuẩn bị đá để khi nước rút là lấp vào những hố bom dưới ngầm Tà Lê. Toàn tuyến đơn vị bảo vệ dài khoảng 8 km lúc nào cũng luôn thông suốt trong mọi tình huống. Có những đêm mưa lớn, ngầm ngập sâu, chị em phải ngâm nước cả đêm, nắm tay nhau làm cọc tiêu dẫn đường cho xe qua” - bà Khương hồi tưởng.

Gang thép mới trụ nổi

Suốt 3 năm, 1971-1973, quân Mỹ đã thực hiện gần 10.000 lần oanh tạc, ném bom xuống đèo Phu La Nhích, ngầm Tà Lê và cua chữ A. Cũng từng ấy năm, các nữ công binh B3 luôn hoàn thành nhiệm vụ khai thông tuyến đường.

Họ không ngờ những việc làm của mình đã để lại tình cảm đặc biệt đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vào tháng 3-1973, trong một lần đi thăm bộ đội Trường Sơn, Đại tướng đã ghé thăm những nữ công binh trên đèo Phu La Nhích.

Bà Dương Thị Trình (ngụ xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia), cựu Trung đội trưởng B3, xúc động: “Sáng hôm đó, chúng tôi nhận được tin Đại tướng sẽ đến thăm trung đội. Đến lúc ấy, chị em chỉ được nghe Đại tướng nói qua đài, chưa được gặp bao giờ nên ai cũng hồi hộp. Gần trưa, Đại tướng và đoàn công tác đến Phu La Nhích. Chúng tôi vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc. Đại tướng đến bắt tay từng người, biểu dương những gì mà chị em đã làm trong những năm qua và động viên cố gắng hơn nữa. Nhìn quanh một lượt, vị Tổng Tư lệnh thốt lên: “Các cô không phải là người thường. Ở nơi như thế này, chỉ có gang thép mới trụ được”. Nói xong, Đại tướng liền đặt tên mới cho B3 là “Trung đội nữ công binh thép”.

Bà Trình cho biết khi trò chuyện, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi chị em có thiếu thốn gì không. “Sau khi chúng tôi kể về những khó khăn, Đại tướng không nói gì mà lặng đi một lúc. Sau đó, bác dặn chị em cố gắng khắc phục khó khăn, tiếp tục chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Tổ quốc giao phó. Những thiếu thốn của chị em, Đại tướng sẽ lưu ý, quan tâm. Cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 20 phút rồi Đại tướng nhanh chóng rời đi” - bà Trình tiếc nuối.

Được Đại tướng đến thăm là một niềm vinh dự, tự hào và những lời động viên của người càng tiếp thêm sức mạnh cho chị em Trung đội nữ công binh thép”. Sự ác liệt ở Phu La Nhích phần nào làm cho những cô gái trẻ tạm quên đi những giây phút được gặp Đại tướng nhưng bất ngờ, họ nhận được món quà “quý hơn vàng”.

“Hôm đó, chị em vừa đi thông đường trở về thì được anh quân bưu thông báo lên nhận quà của Đại tướng. Khi mở thùng quà ra, chị em chúng tôi đã ôm chầm lấy nhau òa khóc vì những món quà cảm động của bác. Đại tướng gửi cho chị em 100 bánh xà phòng, một bì bồ kết và 1 cuộn vải màn lớn. Đây là những món quà quý hơn vàng ở những nơi khốc liệt như Phu La Nhích. Không ai nghĩ giữa bao bộn bề của công việc, Đại tướng vẫn nhớ đến chị em chúng tôi, mà lại còn rất tâm lý. Ai nấy chia nhau từng gói quà mà nước mắt cứ chảy dài” - cựu Trung đội trưởng B3 nghẹn ngào.

Cuộc hội ngộ sau 30 năm

Sau ngày đất nước thống nhất, những nữ công binh thép phục viên trở về địa phương, đa số đều lập gia đình, xây dựng tổ ấm.

Những năm tháng chiến tranh, kỷ niệm được gặp Đại tướng giữa đại ngàn Trường Sơn tưởng chừng như chôn chặt trong trái tim của những cô gái “mình đồng, da sắt” nơi “điểm lửa” Phu La Nhích thuở nào. Thế nhưng, một ngày cuối năm 2002, họ đã chết lặng rồi òa khóc khi hay tin Đại tướng vẫn nhắc đến mình với một tấm lòng trân trọng.

Đó là vào ngày 26-12-2002. Tại Đại hội Cựu chiến binh toàn quốc lần thứ 3, khi phát biểu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc đến Trung đội nữ công binh thép. “Đại tướng cho biết hồi bác vào chiến trường ở đèo Phu La Nhích có gặp một trung đội là những nữ công binh. Rồi Đại tướng nhắn bây giờ ai còn sống, ở đâu thì hãy biên thư cho bác. Lúc đó, tôi ngồi xem tin tức trên truyền hình mà không tin vào tai mình, cảm xúc dâng trào. Tôi đã òa khóc rồi gọi điện cho chị em B3, ai nghe cũng sung sướng, hạnh phúc. Tối hôm đó tôi không sao ngủ được, chỉ mong trời nhanh sáng” - bà Trình trải lòng.

Đến đầu năm 2003, bà Trình được ra Hà Nội diện kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hôm gặp bà ở nhà số 30 Hoàng Diệu, Đại tướng nhắc lại: “Ngày đó bác vào đã đặt cho trung đội tên gì?”, “Sau khi bác về, các cháu nhận được quà gì?”.

“Sau khi nghe tôi trả lời xong 2 câu, Đại tướng ôm chầm lấy tôi rồi thốt lên: “Bác đã mong gặp lại trung đội này suốt bao năm qua”. Nghe bác nói, tôi cứ khóc mãi. Những người phục vụ khuyên tôi cứ bình tĩnh để bác hỏi chuyện. Hai bác cháu trò chuyện rất lâu. Khi hay tin chị em chúng tôi phục viên về địa phương không nhận được chế độ gì, bác rất buồn. Trước lúc tôi ra về, Đại tướng dặn nói với chị em tìm lại hồ sơ, giấy tờ để bác lo. Nhờ có Đại tướng giúp đỡ mà giờ đây, hầu hết chị em chúng tôi ai cũng được hưởng chế độ” - bà Trình cảm kích.

Sau buổi gặp gỡ Đại tướng, bà Trình đã về Thanh Hóa tập trung chị em trong Trung đội nữ công bình thép năm xưa và kể lại mọi chuyện. Đến ngày 16-7-2003, họ đã được gặp Đại tướng. Những cái nắm tay ấm áp của Đại tướng khiến ai cũng rưng rưng lệ. Hình ảnh cuộc hội ngộ 30 năm trước ở đèo Phu La Nhích lại ùa về. Những món quà “quý hơn vàng” ngày ấy của người lại được nhắc nhớ…

“Đại tướng hỏi chuyện rất nhiều. Bác rất trăn trở và mong muốn xây dựng trung đội chúng tôi thành Trung đội Anh hùng. Thế nhưng, tâm nguyện ấy của Đại tướng chưa thực hiện được thì người đã đi xa” - bà Khương rưng rưng.

Như một người cha

Hơn 2 năm nay, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về với đất mẹ, năm nào Trung đội nữ công binh thép cũng ra Hà Nội hay vào Vũng Chùa - Đảo Yến (tỉnh Quảng Bình) để dâng hương tưởng nhớ người.

Với bà Dương Thị Trình, Đại tướng như một người cha. (Ảnh tư liệu của Trung đội B3)
Với bà Dương Thị Trình, Đại tướng như một người cha. (Ảnh tư liệu của Trung đội B3)

“Với những nữ công binh chúng tôi, Đại tướng không chỉ là vầng sao sáng trong tim mà còn như một người cha thực sự” - bà Dương Thị Trình bày tỏ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo